Có thể thấy, việc tìm ra, tạo ra những nét riêng trong du lịch là điều mà các địa phương đều hướng tới và cần hướng tới. Bởi lẽ chỉ có nét riêng, thậm chí nếu là “độc nhất vô nhị” thì càng có sức hấp dẫn với du khách hơn. Mẫu Sơn hàng năm có băng tuyết cũng chính là một nét riêng như thế.
Trong những năm trở lại đây, khi du lịch phát triển thì văn hóa thực sự trở thành một tài nguyên quan trọng. Nhiều địa phương đã phát huy tốt tài nguyên này và trở thành lợi thế so sánh với các địa phương khác. Do đó, phát huy bản sắc văn hóa (BSVH) trong phát triển du lịch là một vấn đề đặt ra vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài.
Những hoạt động tích cực
Đối với Lạng Sơn, thời gian qua, vấn đề phát huy BSVH trong phát triển du lịch đã được quan tâm nhiều. Điều đó được thể hiện thông qua các hoạt động cụ thể như, ngay từ đầu năm trong tổ chức các hoạt động lễ hội xuân. Nhiều lễ hội tạo được điểm nhấn trong hành trình du lịch mùa xuân trên quê hương Xứ Lạng với những nét riêng có. Cho nên, mỗi năm hội mở, “đến hẹn lại lên”, song vẫn rất hấp dẫn. Chẳng hạn, nhớ đến lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng, lễ hội đền Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn) là nhớ đến những hoạt cảnh vui nhộn, trò chơi dân gian bổ ích và tiêu biểu hơn cả là phần thi bày các mâm cỗ đẹp. Hay nhớ đến lễ hội lồng tồng xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) là nghi lễ “cày hạ điền” – mang đậm nét hoạt động của cư dân nông nghiệp, đặc biệt là biết ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, rồi trò chơi đánh đu mà không nhiều lễ hội có. Còn với hội Đầu pháo Kỳ Lừa (thành phố Lạng Sơn) thì lại là nghi lễ rước kiệu náo nức, tươi vui, là nghi lễ cướp đầu pháo đầy lôi cuốn… Nhìn chung, hàng năm, các lễ hội tiêu biểu trong chương trình lễ hội xuân Xứ Lạng đều được quan tâm tổ chức tốt, duy trì các nét đẹp truyền thống, BSVH của từng lễ hội được phát huy mạnh mẽ. Lạng Sơn có đến 300 lễ hội mỗi năm song đều có nét riêng. Thực sự du lịch lễ hội đã trở thành một loại hình chủ đạo trong mùa xuân ở Lạng Sơn.
Trong các loại hình du lịch trên địa bàn nổi bật và diễn ra suốt cả năm phải kể đến du lịch mua sắm. Loại hình này lâu nay đã tạo được dấu ấn đáng nhớ với du khách. Hầu như du khách nào lên Lạng Sơn cũng sẽ tìm mua cho mình được một món quà để kỷ niệm cho chuyến đi. Với hệ thống chợ như: Tân Thanh, Đồng Đăng, Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa… luôn phong phú các loại hàng hóa, đa dạng về mẫu mã, chủng loại tha hồ cho du khách lựa chọn. Từ hàng hóa Trung Quốc cho đến các sản vật của địa phương đều được bày bán. Bên cạnh các món đồ gia dụng thì các đồ ăn, thức uống ẩm thực đặc sản cũng được nhiều du khách lựa chọn thưởng thức hoặc mua về làm quà như: lợn quay, vịt quay, măng ớt mác mật, rau cải ngồng, cải làn, chanh rừng, mật ong, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, na Chi Lăng… Nhận thấy rõ nhu cầu này nên các cơ sở dịch vụ, người kinh doanh cũng đã quan tâm khai thác và phát huy các mặt hàng này. Điều đó đã có ý nghĩa thiết thực góp phần vào tạo ra nét bản sắc của du lịch Xứ Lạng. Hay đối với du lịch vãn cảnh di tích danh thắng, tìm hiểu lịch sử, văn hóa thì các ngành chức năng cũng đã có nhiều cố gắng phát huy các di sản văn hóa để tạo nên sự hấp dẫn của di tích, di sản. Cụ thể như, môi trường, cảnh quan của di tích được quan tâm giữ gìn, bảo vệ, chỉnh trang, tôn tạo đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách. Tại các di tích, công tác giới thiệu về lịch sử, sự tích và các di sản khác cũng luôn được đẩy mạnh.
Cây hoa cẩm tú cầu phát triển thích hợp với điều kiện tự nhiên trên khu du lịch Mẫu Sơn cũng là một nét riêng
Từ chủ trương đến hành động
Có thể thấy, tại nhiều văn bản như: Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015; chương trình xúc tiến du lịch và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015; quyết định phê duyệt Đề án phát triển Du lịch – Văn hóa khu du lịch Nhị, Tam Thanh và Thành Nhà Mạc thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015… thì vấn đề giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển theo hướng bền vững đã được chỉ ra rất rõ nét. Theo đó, quan điểm chung về phát triển du lịch Lạng Sơn là phát triển bảo đảm với tốc độ nhanh và bền vững một cách toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng gắn với việc bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa… Như vậy có thể thấy rằng, việc quan tâm phát huy giá trị di sản văn hóa, BSVH trong phát triển du lịch đã được các cấp, ngành của tỉnh hết sức chú ý.
Cuối tháng 12/2011 vừa qua, Hội thảo khoa học về phát triển khu du lịch Mẫu Sơn được tổ chức chính là một trong những động thái tích cực của tỉnh, của ngành nhằm tìm ra những hướng phát triển cho khu du lịch này, trong đó cũng đặt ra việc phát huy các nét riêng biệt, giàu BSVH…
Quả thật, trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển ngày hôm nay thì hoạt động du lịch nói chung cũng sẽ có những chuyển biến thích ứng. Trong đó, việc phát huy những nét độc đáo, riêng có, đặc biệt là BSVH của vùng miền, địa phương chính là lợi thế quan trọng. Hướng phát triển này được tỉnh nhận thức rất rõ. Do đó, các quy hoạch, đề án, chương trình… đang dần được cụ thể hóa, triển khai tích cực.
Ý kiến ()