Ban Quản lý di tích thành phố Lạng Sơn: Điểm sáng bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa
(LSO) – “Những năm qua, Ban Quản Lý (BQL) di tích thành phố Lạng Sơn đã thực hiện được rất nhiều hoạt động hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Xứ Lạng. Qua đó, đóng góp tích cực trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Đó là nhận xét của ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về BQL di tích thành phố Lạng Sơn.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc phân cấp quản lý di tích, ngày 16/5/2018, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3169 thành lập BQL di tích thành phố với 23 thành viên hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách văn hóa – xã hội là trưởng ban, đồng chí Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin là phó ban và đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành và chủ tịch UBND các phường, xã là thành viên. Đồng thời, BQL di tích thành phố tiếp tục thành lập và kiện toàn BQL di tích các phường, xã; xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng thành viên.
Các đại biểu tham gia chương trình khảo sát hệ thống thờ tự tại di tích Đền Cửa Bắc do Ban Quản lý di tích thành phố phối hợp với Hội Di sản văn hóa tỉnh thực hiện
Ngay sau khi thành lập, BQL đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành phố ban hành các văn bản về quản lý di tích trên địa bàn. Tiêu biểu như: Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy ngày 4/3/2019 về tăng cường công tác quản lý các di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đến năm 2020 và những năm tiếp theo…
Thực hiện chỉ thị, BQL luôn chú trọng tới công tác tuyên truyền quảng bá di tích, lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Qua đó, mỗi mùa lễ hội ở từng di tích thu hút hàng chục cơ quan báo chí, thông tin đại chúng trung ương và địa phương về viết bài, đưa tin tuyên truyền, quảng bá về lễ hội, cùng nhiều chương trình quảng bá về di tích như: Nét đẹp di tích chùa Tam Thanh – Thành Nhà Mạc” , “Mạch nguồn văn hóa dân gian”… Mặt khác, hằng năm, BQL còn phát hành hơn 10.000 tờ rơi, tập gấp trang bị tại các điểm di tích với nhiều thông tin giới thiệu về các lễ hội và di tích đến du khách.
Bên cạnh đó, BQL còn tham mưu cho UBND thành phố phối hợp với UBND các huyện thành lập 9 tour du lịch gắn với các điểm di tích. Đặc biệt, hằng năm mở từ 1 hoặc 2 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ tại các điểm di tích. Nhờ đó, năm 2020, thành phố đã có 16 thuyết minh viên được cấp thẻ chứng nhận.
Ngoài ra, BQL còn tham mưu cho UBND thành phố tổ chức các cuộc hội thảo khoa học quy mô với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về các chủ đề như: Di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc “Di sản văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch”; Phát huy giá trị lịch sử văn hóa của “Xứ Lạng tứ trấn”… Từ đó, có những giải pháp phù hợp hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.
Một điểm nổi bật sau khi BQL di tích được thành lập đó là UBND các phường, xã và Nhân nhân địa phương đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Ông Lộc Công Ích, Phó Chủ tịch UBND phường Chi Lăng, Trưởng BQL các di tích trên địa bàn phường cho biết: Sau khi UBND phường được giao trực tiếp quản lý di tích, tình trạng xâm hại di tích cơ bản được ngăn chặn kịp thời; công tác quản lý nguồn công đức được thực hiện chặt chẽ hơn. Từ năm 2018, chúng tôi đã huy động nguồn lực xã hội hóa được trên 5 tỷ đồng để xây dựng, tôn tạo 3 di tích trên địa bàn.
Được biết, giai đoạn 2018 -2020, hơn 15 di tích trên địa bàn thành phố đã được đầu tư tôn tạo, xây mới với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Diện mạo di tích thay đổi đã giúp thành phố thu hút đông khách du lịch hơn. Giai đoạn 2018 – 2019, thành phố đã đón trên 3,7 triệu lượt khách, tăng 11% so với giai đoạn 2016 – 2017.
Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố, Phó Trưởng BQL di tích cho biết: Thời gian tới, để các di tích phát huy giá trị, BQL tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ như: tăng cường công tác trùng tu, tôn tạo cũng như tuyên truyền quảng bá di tích, lễ hội. Đặc biệt, tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp du lịch quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến, tour du lịch gắn với các di tích trong lòng thành phố như tour “tam động – tứ trấn”, đồng thời tăng cường kết nối với các điểm du lịch ở trong tỉnh và ngoài tỉnh…
Ý kiến ()