Bản Nhùng: Tăng thu từ trồng mía
– Khoảng 2 năm trở lại đây, người dân thôn Bản Nhùng, xã Hồng Thái, huyện Văn Lãng đã đưa cây mía vào trồng tại các chân ruộng hạn. Từ nguồn nguyên liệu này, cứ mỗi độ cuối năm, người dân nơi đây lại tất bật làm đường mía (đường phên) và nấu rượu mía.
Vào những ngày cuối năm 2021, chúng tôi đến xã Hồng Thái, dọc bên đường là những ruộng trồng mía xanh ngắt. Trên các cánh đồng, người dân đang hối hả thu hoạch, đưa cây mía về nơi tập kết. Tiếng máy nổ nghiền, ép mía hòa trong tiếng người rộn ràng cả một vùng quê.
Người dân thôn Bản Nhùng nấu đường mía
Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Thôn Bản Nhùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây mía nên đến nay toàn xã chỉ có thôn này trồng được. Ngày xưa, có thời điểm phong trào trồng mía phát triển mạnh, cả thôn nhà nào cũng trồng và làm mía đường, nấu rượu mía. Tuy nhiên, do chưa có máy móc hiện đại như bây giờ và đầu ra không ổn định nên bẵng đi một thời gian người dân trong thôn đã bỏ nghề truyền thống này.
Đến năm 2020, khi có một vài hộ trong thôn đưa cây mía về trồng đem lại hiệu quả, phong trào trồng mía mới phát triển trở lại. Bà Hoàng Thị Bền, thôn Bản Nhùng cho biết: Năm 2020, tôi lên huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng mua giống cây mía cao sản về trồng với diện tích 2 sào để nhân giống và làm thử nghiệm. Thấy hiệu quả, nên năm nay gia đình tôi trồng khoảng 3,5 sào, hiện gia đình tôi đã nấu được 1 mẻ đường mía, tương đương 40 kg đường thành phẩm và nấu được hơn 300 lít rượu mía. Dự kiến đến cuối vụ sẽ nấu được hơn 1.000 lít rượu và khoảng 10 mẻ đường, thu nhập trên 50 triệu đồng.
Tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Páo cũng trồng được 2 sào mía, hiện nay, gia đình ông đang tất bật nấu rượu mía và đường mía để phục vụ Tết Nguyên đán này. Ông Páo chia sẻ: Năm ngoái, gia đình tôi nấu được 500 lít rượu mía, với giá bán 40 nghìn đồng/lít; 5 mẻ đường mía (mỗi mẻ 40 kg) bán với giá 50 nghìn đồng/kg gia đình tôi cũng thu về gần 30 triệu đồng/vụ. Thấy hiệu quả nên năm nay gia đình tôi vẫn duy trì diện tích mía như năm ngoái, hiện tranh thủ thời tiết nắng ráo gia đình tôi đang thu hoạch mía.
Hiện nay, trên địa bàn thôn Bản Nhùng có hơn 20 hộ trồng mía và làm đường mía, nấu rượu mía với diện tích cây mía gần 3 ha. Theo tính toán của người dân, 1 sào mía khi nấu đường mía và nấu rượu đem lại thu nhập khoảng 15 triệu đồng/sào, cao gấp 3 lần so với trồng ngô. Từ hiệu quả đó, bà con trong thôn đã đầu tư mua 2 máy ép mía (10 hộ mua chung 1 máy). Hiện nay, sản phẩm đường mía và rượu mía của người dân trong thôn được khách hàng ưa chuộng bởi độ thơm, ngon nên làm ra đến đâu khách hàng đặt mua hết đến đó.
Để làm ra một mẻ đường là một quá trình phức tạp đòi hỏi người nấu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể cho ra sản phẩm thơm ngon. Sau khi ép mía là công đoạn chuẩn bị lò, củi để đun nấu. Người nấu phải đảo liên tục sao cho thật đều tay. Khi nồi mật bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt, để bị trào thì mật sẽ có màu đen, kém thơm ngon. Khi nào thấy nước mía sệt sệt, chuyển sang màu đỏ là được, khi đó cho nồi xuống, đổ vào phên rồi đợi khô và cắt thành miếng. Tương tự, đối với rượu mía, người dân cũng phải làm qua nhiều công đoạn, nước ép mía được đun sôi trên chảo sau đó đổ vào thùng, ủ lên men trong khoảng 10 đến 15 ngày, sau đó dùng nước này để cất rượu.
Ông Nông Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Làm đường mía và nấu rượu mía không chỉ là nghề truyền thống mà còn góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền người dân trong thôn mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây mía để nâng cao năng suất. Cùng với đó, tuyên truyền bà con sử dụng các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đường mía của xã để nhiều khách hàng trên toàn quốc biết đến.
Ý kiến ()