Bàn những giải pháp căn cơ nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, ngày 3-11, buổi sáng, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Buổi chiều, QH thảo luận Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2016. Việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế. Phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải cách, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Giải quyết kịp thời những vấn đề nóng
Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 ước đạt 6,5%. Theo đánh giá của các đại biểu QH, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng năm năm qua, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Có được kết quả này là do hiệu quả từ những giải pháp mang tính quyết liệt, đột phá trong sự điều hành của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, sự giám sát sát sao của các cơ quan dân cử, sự nỗ lực, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân cả nước.
Các đại biểu QH tiếp tục phân tích những khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt trong thời gian tới. Một trong những rào cản lớn nhất là sự nghèo đói dẫn tới nhiều hệ lụy cho xã hội. Muốn xóa đói, giảm nghèo bền vững, toàn xã hội cần quan tâm hơn đối với công tác giảm nghèo với cách làm mới, thiết thực và hiệu quả, có chiều sâu hơn. Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, vấn đề cần quan tâm là đổi mới phương thức, cách làm của Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội trong hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo. Chống bình quân bao cấp, xóa tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước hỗ trợ của một bộ phận người nghèo. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tập trung vốn, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế – xã hội cho vùng khó khăn, huyện nghèo, vùng hải đảo. Chính quyền cơ sở cần đi sâu, đi sát điều tra, xác định rõ nguyên nhân dẫn tới đói nghèo để đưa ra những biện pháp cụ thể, phù hợp. Cần có chính sách riêng đối với từng nhóm đối tượng, nguyên nhân dẫn tới đói nghèo. Đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) đề nghị rà soát lại một số nội dung, nghiên cứu để có thể chuyển đổi cơ chế hỗ trợ, cho không sang hình thức cho vay với lãi suất bằng 0% nhằm tăng ý thức tự lực, tự cường, tránh việc ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, các tổ chức, các nhà hảo tâm như thời gian vừa qua.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Một trong những giải pháp muốn đất nước phát triển cần dựa trên một nền khoa học, công nghệ vững chắc. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua, việc đầu tư cho khoa học, công nghệ chưa thực sự có chiều sâu, chưa đủ lớn mạnh. Việc đầu tư không “ra tấm, ra món” khiến các sản phẩm tạo ra không có tên tuổi trên thị trường quốc tế…
Theo yêu cầu của một số đại biểu QH tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã báo cáo cụ thể về những thông tin liên quan sai phạm tại tòa nhà số 8B Lê Trực, chủ đầu tư là Công ty cổ phần may Lê Trực. Việc cao ốc xây vượt phép 16 m, diện tích xây dựng trội lên hơn 6.000 m2, Bộ trưởng cho biết: Thủ tướng đã kết luận về sự việc, yêu cầu, để giữ nghiêm kỷ cương trong thực hiện quản lý xây dựng theo quy hoạch, UBND Hà Nội phải chủ trì đánh giá đúng mức độ sai phạm, nêu phương án xử lý, trình kế hoạch xử lý cụ thể đối với công trình. Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh, việc phá dỡ công trình phải bảo đảm an toàn, tính mỹ quan và các tiêu chí trong vấn đề quản lý xây dựng đô thị.
Giải trình thêm về việc triển khai chương trình nhà ở với người có công, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, Ủy ban Thường vụ QH thực hiện giám sát đối với chương trình, yêu cầu hỗ trợ về nhà ở đối với 70 nghìn hộ người có công. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp từ danh sách các địa phương lập, có đến 350 nghìn hộ cần hỗ trợ. Đến thời điểm này, 80 nghìn hộ thuộc giai đoạn đầu đã được hỗ trợ. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát, thu xếp nguồn lực để tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở với người có công. Về gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở với người dân sẽ tiếp tục được triển khai lâu dài, có thể không chỉ dừng ở con số 30 nghìn tỷ đồng.
Trước những bức xúc của đại biểu QH về việc sử dụng chất cấm tràn lan trong chăn nuôi và thủy sản, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, đây là một tội ác và cần xử lý triệt để. Trong phần giải đáp của mình, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thức rất rõ yêu cầu bức thiết của nhân dân về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do vậy luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn ngành”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, kết quả giám sát trong chín tháng đầu năm cho thấy, tỷ lệ mẫu vi phạm còn cao, chưa có cải thiện so với năm 2014. Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, quản lý an toàn thực phẩm từ trang trại đến chợ là một chuỗi dài từ nuôi trồng, chế biến, kinh doanh sản xuất, người tiêu dùng. Mất an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế – xã hội. Bộ Y tế đã phối hợp các bộ ngành kiểm soát, xử lý tình trạng này, tuy nhiên việc phối hợp, thực thi còn gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng mong Chính phủ chỉ đạo các địa phương phối hợp tốt các cơ quan quản lý thực thi nhiệm vụ này trên cơ sở một số chính sách sẽ được Bộ đề xuất trong thời gian tới.
Cắt giảm chi tiêu công
Tập trung thảo luận về phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2016, các đại biểu cho rằng, hiện nay bộ máy nhà nước quá cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, có chức năng giao nhiều đơn vị thực hiện nhưng lại thiếu tính thống nhất, dẫn tới tình trạng buông lỏng quản lý. Bên cạnh đó, cơ chế tuyển dụng chưa bảo đảm công khai minh bạch, mới có cơ chế tuyển dụng chứ chưa có cơ chế đào thải người không hoàn thành nhiệm vụ.
Nhiều đại biểu thảo luận, đưa ra những giải pháp, đề xuất đối với vấn đề thâm hụt ngân sách. Theo đó, trước hết Chính phủ cần tích cực chỉ đạo, giải quyết vấn đề nợ đọng thuế, hiện con số còn tới 76 nghìn tỷ đồng; cần giảm chi bằng cách cắt và hoãn một số khoản chi chưa thật sự cần thiết, cấp bách, thực hiện nghiêm việc giảm chi theo đề xuất của Kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó, cần tiết kiệm triệt để việc thực hiện chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn và vốn đi vay. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị, trong báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm về hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực của xã hội. Từ đó có những chính sách cụ thể, phù hợp trong điều hành kinh tế – xã hội. Đề nghị QH giám sát chặt chẽ hơn về hiệu quả sử dụng khai thác tài nguyên, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên, đặc biệt là lãng phí nguồn nhân lực xã hội. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) mong muốn QH ban hành một Nghị quyết riêng nhằm giải quyết một cách căn cơ bài toán nợ xấu kéo dài hiện nay.
Về phương án sử dụng trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án, cải tạo nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, sau khi hoàn thành còn dư 14.259/61.680 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã được phân bổ. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với tờ trình của Chính phủ về các nguyên tắc sử dụng vốn dư. Theo đó, các dự án dự kiến được phân bổ nguồn vốn dư này phải nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn TPCP được QH quyết định hoặc là các dự án trên tuyến quốc lộ 1A cải tạo và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các dự án kết nối, góp phần phát huy hiệu quả đối với hai tuyến đường này.
Việc sai phạm trong xây dựng công trình tại 8B Lê Trực đã gây bức xúc trong xã hội và người dân. Ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận cũng như của báo chí, Bộ Xây dựng đã phối hợp UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát và đề ra các biện pháp xử lý. Tôi khẳng định vụ việc sai phạm tại 8B Lê Trực là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện sự hạn chế yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Những sai phạm thuộc về chủ đầu tư là Công ty may Lê Trực.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Về vấn đề thu bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, đây là nội dung được quy định theo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và đã được QH thông qua. Đây là phương thức tất cả các nước đều phải thực hiện mới có thể tiến tới lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Thu bảo hiểm y tế theo hộ gia đình sẽ có lợi là số tiền đóng của người tiếp theo sẽ giảm dần đến 50% mệnh giá ban đầu, nếu tham gia từ năm người trở lên. Để tránh áp lực cho người dân phải đóng nhiều cho các thành viên trong hộ gia đình một lúc, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị giãn thời gian thu để có thời gian chuẩn bị đối với hộ gia đình.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Đề nghị QH lấy năm 2016 là năm tiết kiệm và kỷ cương hành chính để xử lý nghiêm hành vi lãng phí các nguồn lực của đất nước, ngân sách nhà nước. Lấy tiết kiệm và chống lãng phí làm chỉ tiêu thi đua cho năm 2016, địa phương nào cắt giảm tốt chi tiêu công, phải được thưởng.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội)
Tôi đã gửi thư tới 19 bộ, cơ quan T.Ư đề nghị cung cấp thông tin chính thức về những thiệt hại, thất thoát lãng phí trong lĩnh vực do bộ, cơ quan T.Ư quản lý. Tuy nhiên, trong những văn bản trả lời tôi nhận được cho đến nay không nhận thấy hoặc khó nhận thấy những thất thoát, lãng phí nghiêm trọng mà Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII của Đảng đã nêu.
Theo Nhandan.org.vn

Ý kiến ()