Bản Mù bao giờ mới “sáng”
LSO-Con đường đất dẫn vào thôn Bản Mù, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan cứ hun hút men theo triền núi.
LSO-Con đường đất dẫn vào thôn Bản Mù, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan cứ hun hút men theo triền núi. Cả thôn có 73 hộ thì có đến 40 hộ nghèo, còn lại là 33 hộ cận nghèo. Cái nghèo cứ luẩn quẩn bám lấy người dân trong thôn, được một hai hộ vừa thoát từ nghèo xuống cận nghèo lại có ngay vài hộ từ cận nghèo lại trở thành hộ nghèo. Cứ như thế, không biết bao giờ Bản Mù mới “sáng”.
Trẻ em thôn Bản Mù trên đường đi học |
Chúng tôi biết đến Bản Mù qua câu chuyện của một đồng chí nguyên là lãnh đạo của huyện Văn Quan. Bản Mù- cái tên khiến chúng tôi cảm thấy tò mò, nhưng hấp dẫn hơn chính là câu chuyện về cuộc chiến từ giã chiếc “bàn đèn” của người dân trong thôn… Thế nhưng chuyến đi không mấy dễ dàng, số là mấy trận mưa dầm cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9 đã biến con đường đất vào Bản Mù vốn đã khó lại thêm phần khó hơn. Mấy anh cán bộ xã Tú Xuyên thấy tôi có ý muốn vào trong thôn liền cảnh báo:… “nhà báo muốn vào Bản Mù chắc phải đi bộ thôi, đường rất khó đi, với lại đi bộ mới cảm nhận hết được cái hay, cái khó của thôn…”. Đi bộ thì chúng tôi không ngại nhưng quả thật chưa biết đường sá thế nào, mưa gió thì cứ liên tục kéo về. Đến cả ông Phó Chủ tịch UBND xã Nông Văn Thăng cũng tỏ ra e ngại trước quyết định của chúng tôi. Thế rồi cuối cùng, ông Thăng cũng giúp chúng tôi vào được Bản Mù bằng cách nhờ ông trưởng thôn Bản Mù đang họp tại UBND xã nghỉ trước ít phút, thế là tôi cùng ông trưởng thôn lên đường.
Quả thật, chỉ nghe nói thôi thì không thể hình dung hết được sự khó khăn của con đường vào Bản Mù. Đường trơn, bùn đất đùn lên không khác gì một bãi lầy trải dài, dù đã thuộc đường nhưng ông trưởng thôn Nông Văn Lèn thỉnh thoảng vẫn có những pha trượt bánh xe khiến tôi toát mồ hôi. Đó là những đoạn xe máy đi được, còn những đoạn khó hơn, ông Lèn còn phải dắt xe và tôi đẩy sau. Vừa đẩy xe qua dốc, ông Lèn vừa hổn hển chia sẻ: người dân trong Bản Mù đẩy xe là chuyện thường xuyên ấy mà. Thế nhưng như thế này vẫn không có gì đáng kể bởi năm 2012, con đường vào thôn mới được mở rộng, còn trước đó, con đường chạy men theo sườn đồi nhỏ hẹp chưa đầy một mét. Mùa khô xe máy may ra còn vượt đèo dốc đi được chứ nếu mưa nhỏ thôi thì cũng bó tay nên phần lớn người dân có việc gì đều đi bộ ra trung tâm xã, thậm chí vào ngày chợ còn phải đi bộ ra đến cả chợ huyện. Khó khăn đâu chỉ dừng lại ở con đường. Bản Mù vẫn chưa có điện, hầu hết cả thôn phải sử dụng loại máy phát dùng sức nước để tạo ra nguồn điện thắp sáng chiếc bóng đèn 12W, còn lại các thiết bị điện thông thường khác đều không sử dụng được ở đây. Một vài hộ dân của thôn ven trung tâm đã đầu tư kéo nhờ điện từ thôn khác nhưng cũng phải chịu giá rất cao…Còn khi được hỏi về câu chuyện người dân Bản Mù dùng thuốc phiện, ông Lèn tự hào cho biết, đó là câu chuyện lâu lắm rồi. Trước đây, thôn có bao nhiêu mái nhà là có khoảng chừng đấy người hút. Thời điểm đó, cuộc chiến từ bỏ cái bàn đèn đã giành thắng lợi thì hiện nay, Bản Mù đang bước vào cuộc chiến cam go hơn rất nhiều, đó là cuộc chiến với cái nghèo.
Người dân Bản Mù xưa nay đều làm nông nghiệp, mỗi nhà có vài ba sào ruộng, tuy nhiên hiệu quả rất thấp bởi địa hình bị chia cắt, không chủ động được nước tưới, trình độ sản xuất còn thấp nên năng suất nông sản phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Ngoài 2 cây trồng chính là lúa và ngô, rừng hồi và bạch đàn cũng chỉ mới được đưa vào trồng nên hiệu quả kinh tế từ trồng trọt rất thấp. Năm được mùa thì đủ ăn, dư thêm tí nào thì mua con lợn, con gà về thả ở đồi, ở vườn rồi cũng chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Kinh tế của thôn chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng hiệu quả từ nông nghiệp đem lại thì rất thấp. Từ đó mới dẫn đến câu chuyện mấy năm gần đây, cứ hộ nào thoát nghèo lại trở thành hộ cận nghèo và hộ cận nghèo lại nhanh chóng trở thành hộ nghèo. Cứ luẩn quẩn như vậy khiến cho chữ “nghèo” bao lâu nay chưa rời khỏi cuộc sống của bà con.
Ông Nông Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Xuyên chia sẻ: Bản Mù là một trong những thôn khó khăn nhất của xã với hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa có điện, nước sạch, cũng chẳng có sóng điện thoại, giao thông rất khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của thôn. Mặc dù cấp ủy đảng, chính quyền đã đưa ra nhiều giải pháp cũng như hỗ trợ người dân trong thôn như làm đường, xây phân trường, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhưng những bước phát triển của Bản Mù vẫn hết sức chậm chạp. Hướng đi phù hợp nhất hiện nay đối với Bản Mù chính là việc phát triển cây lâm nghiệp như hồi, bạch đàn bởi diện tích đất rừng sản xuất còn rất rộng. Còn nếu cứ trông vào diện tích trồng lúa, ngô ít ỏi, năng suất lại thất thường như thế thì chẳng biết bao giờ Bản Mù mới thoát hẳn cái nghèo. Cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, muốn thoát nghèo, Bản Mù cần tự mình đứng lên, phát huy nội lực, khơi dậy khát vọng thoát nghèo trong chính người dân.
Chia tay Bản Mù, hình ảnh về một vùng thôn quê nghèo khó thêm một lần nữa được tái hiện trong câu chào chia tay của ông trưởng thôn Nông Văn Lèn: “xe khét quá, đất giữ chặt xích rồi, lại phải dắt xe về thôi…”.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()