Bản mới Hồng Lếch Cang
Người dân bản Hồng Lếch Cang đã được sử dụng nước sạch. Những ngày tháng ba, cuối mùa hoa ban nở, ai lên Điện Biên Phủ, về bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên sẽ cảm nhận được niềm vui phấn khởi của bà con trong bản. Vùng quê thuần nông trong lòng chảo Mường Thanh bắt đầu thay da, đổi thịt từ khi thực hiện mô hình nông thôn mới...Cuộc sống mới trên vùng đất khóHồng Lếch Cang có diện tích hơn 30 ha, trong đó có 17ha đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa, là bản biên giới giáp nước bạn Lào, nằm ở phía tây lòng chảo Điện Biên, xã Thanh Chăn (một trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới). Đặc thù của Hồng Lếch Cang là 100% số dân là người dân tộc Thái. Trước đây, người dân trong bản chỉ gắn bó với cây lúa nước, nhưng nay nhà nào cũng tăng gia thêm ao cá, vườn cây, phát triển đàn gà, đàn lợn... Nhờ vậy, đời sống kinh tế của bà con trong bản ngày càng nâng cao. Điển hình như gia đình chị Lò Thị Diên, từ...
Người dân bản Hồng Lếch Cang đã được sử dụng nước sạch. |
Cuộc sống mới trên vùng đất khó
Hồng Lếch Cang có diện tích hơn 30 ha, trong đó có 17ha đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa, là bản biên giới giáp nước bạn Lào, nằm ở phía tây lòng chảo Điện Biên, xã Thanh Chăn (một trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới). Đặc thù của Hồng Lếch Cang là 100% số dân là người dân tộc Thái. Trước đây, người dân trong bản chỉ gắn bó với cây lúa nước, nhưng nay nhà nào cũng tăng gia thêm ao cá, vườn cây, phát triển đàn gà, đàn lợn… Nhờ vậy, đời sống kinh tế của bà con trong bản ngày càng nâng cao. Điển hình như gia đình chị Lò Thị Diên, từ khi phát triển mô hình VAC, giờ một năm cho thu nhập hơn 90 triệu đồng.
Ấn tượng đầu tiên về bản Hồng Lếch Cang là hệ thống đường bê-tông chạy quanh bản dài 2,5 km. Người dân trong bản kể, chỉ mấy năm trước, vào những ngày mưa, con đường vào bản bùn ngập gót chân, nay đã được trải bê-tông sạch sẽ, văn minh. Gặp Trưởng bản Lò Văn Nhân, chúng tôi hỏi, bản mình có niềm vui gì mới không bác? Bác Nhân hồ hởi khoe: Nhiều, nhiều lắm, chỉ sợ không kể hết thôi. Rồi bác kể: “Những năm 40 của thế kỷ trước, bản này chỉ có ba hộ gia đình sinh sống, vậy mà bây giờ đã có tới 80 hộ gia đình với hơn 250 nhân khẩu. Điều đáng mừng là bản phát triển, số lượng người ngày một đông hơn, nhưng không có gia đình nào sinh con thứ ba. 100% số con em trong bản đều được tới trường. Năm 2011, có tới gần chục em đỗ vào đại học. Hiện nay, có hơn 30 con em đi làm cán bộ ở các nơi trong và ngoài tỉnh… Các mô hình phát triển kinh tế được áp dụng phát huy hiệu quả, đời sống người dân trong bản ngày một ấm no. Toàn bản chỉ còn sáu hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số gia đình trong bản, bác Nhân cho biết, người dân trong bản giờ vui lắm. Vui vì thấy những chủ trương của Đảng, Nhà nước đều đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Toàn bộ các hộ gia đình trong bản được sử dụng điện lưới quốc gia và có phương tiện nghe, nhìn; 100% số dân trong bản được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Đó là niềm vui lớn nhất của toàn dân trong bản nhỏ xa xôi này. Vừa qua, thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, được cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp chính quyền địa phương mở lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng cam Vinh xen ổi cho bà con. Giờ bà con đã biết vận dụng kiến thức khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, được hỗ trợ về giống cam mới để phát triển vùng cam theo quy hoạch của xã. Bên cạnh đó, nghề chăn nuôi lợn thịt cũng được đào tạo cho người dân trong bản. Sau khi được học nghề, người dân đã được tiếp cận với phương thức chăn nuôi cải tiến theo hướng công nghiệp, giảm công lao động, rút ngắn chu kỳ đầu tư, cho hiệu quả thu nhập…
Tạo điều kiện giúp người dân làm giàu
Cùng với mô hình của toàn xã, bản Hồng Lếch Cang đang tích cực đẩy mạnh việc cải tạo vườn tạp, tận dụng tối đa tiềm năng đất đai để sản xuất, chăn nuôi. Các mô hình trồng cây ăn quả như: xoài, hồng xiêm, nhãn, bưởi, hồng giòn được trồng tại nhiều gia đình trong bản. Ngoài ra, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, cá tổng hợp, tôm càng xanh, ngan Pháp, gà Lương Phượng, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, mô hình sản xuất lúa giống; trồng chè, chuối tiêu… cũng đang ngày một phát triển. Kết hợp với mô hình chăn nuôi, nhiều gia đình đã xây dựng, lắp đặt hầm khí bi-ô-ga để xử lý chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh môi trường và tạo ra nguồn khí đốt, điện thắp sáng hiệu quả. Trang trại của gia đình anh Lò Văn Sơn là một điển hình trong bản về quy hoạch phát triển mô hình VAC. Anh Sơn cho biết, năm 2011, nhờ xây dựng mô hình phát triển trang trại tốt nên đã mang lại nguồn thu cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng. Từ đó mới có điều kiện để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học.
Đến Nhà văn hóa của bản, chúng tôi ngỡ ngàng trước ngôi nhà sàn khang trang còn thơm mùi gỗ mới, gặp các chị em trong bản đang nhộn nhịp chuẩn bị bữa liên hoan Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3. Chị Lò Thị Minh phấn khởi khoe, đây là Nhà Văn hóa của bản vừa xây xong với số tiền hơn 500 triệu đồng đấy, trong đó người dân trong bản đóng góp suốt bốn năm chỉ được có 100 triệu đồng thôi, còn lại hơn 400 triệu đồng là của Nhà nước hỗ trợ. Nếu không được sự hỗ trợ của Nhà nước thì bản không có được ngôi nhà như thế này. Từ nay tất cả các hoạt động văn hóa trong bản đều được tổ chức tại đây. Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, chính quyền xã huy động được các nguồn lực của toàn xã hội; tập hợp, đoàn kết, khơi nguồn và phát huy sự chủ động, sáng tạo của nhân dân.
Từ khi triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn từ bản đến xã thay đổi, đẹp lên từng ngày. Nhiều công trình phúc lợi được quan tâm đầu tư như: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, trung tâm học tập cộng đồng… cùng các mô hình sản xuất mới được triển khai đã và đang dần đáp ứng được các tiêu chí của một vùng quê nông thôn mới. Điều đặc biệt, khi triển khai Đề án xây dựng mô hình nông thôn mới, xã tổ chức họp dân tới từng đội, bản, thông báo rõ nội dung, mục tiêu của Đề án để người dân ý thức rõ và tham gia. Với nguyên tắc dân chủ, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, các công trình thuộc Đề án được triển khai đều được người dân đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực. Ngay khi bê-tông hóa tuyến đường vào bản thẳng, rộng và đẹp hơn, một số gia đình trong bản đã tự nguyện hiến đất làm đường. Có đường đẹp và rộng, các gia đình trong bản cùng nhau đầu tư làm ngõ, xây tường rào bao quanh, văn minh sạch đẹp. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” khi xây dựng các công trình, nhân dân đóng góp chủ yếu bằng ngày công lao động.
Trước khi chia tay bản Hồng Lếch Cang, một cụ 72 tuổi trong bản trao đổi ý kiến với chúng tôi rằng: Giờ tuy các gia đình trong bản đã có cái ăn, cái mặc, nhưng người dân tộc chúng tôi không thể hiểu hết để xây dựng nông thôn mới phải cụ thể như thế nào… mà chúng tôi chỉ hiểu đơn giản rằng: Cứ có đủ điện thắp sáng, có đường giao thông bằng bê-tông đi lại dễ dàng, trường học khang trang để con em tới lớp, trạm y tế để khám, chữa bệnh và có nhà văn hóa để vui chơi như bây giờ là chúng tôi ơn Đảng, ơn Chính phủ lắm rồi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()