Bản Mới B: Người dân vẫn "khát"
– Cuối năm 2015, Báo Lạng Sơn đã có bài viết phản ánh về tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại thôn Bản Mới B, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình. Tuy nhiên, sau 7 năm, hiện nay, người dân vẫn đang phải dùng nước tưới tiêu để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt.
Mua phèn chua để xử lý, “biến” nước tưới tiêu thành nước sinh hoạt là việc làm đã được bà Bế Thị Uyên, người dân tại thôn Bản Mới B, xã Sàn Viên thực hiện gần 10 năm qua. Với mỗi 2 m3 nước được bơm lên từ mương nước cạnh nhà, bà cần dùng khoảng nửa cân phèn chua để pha. Mỗi lần như vậy, gia đình bà có thể sử dụng nước trong 1 tuần. Bà Uyên cho biết: “Ở thôn Bản Mới B không có nước sạch để dùng. Do đó, tôi và toàn bộ người dân ở đây đều phải lấy trực tiếp nước từ mương thủy lợi lên để sinh hoạt”.
Nhiều hộ dân tại Bản Mới B vẫn dùng nước tưới tiêu để sinh hoạt
Là một trong những hộ có nhà ở khu vực cuối mương, vào mùa khô, nước mưa chảy xuống kênh mương không nhiều nên gia đình bà đã chủ động tự đào một hố tích nước. Hố tích nước dài khoảng 15 m, rộng khoảng 1,5 m hiện được gia đình bà Uyên dùng để nuôi vịt, cũng vừa để lấy nước sinh hoạt.
Để cảm nhận rõ hơn, nhóm phóng viên chúng tôi đã trực tiếp “nếm” thử nước sinh hoạt qua xử lý bằng phèn chua của gia đình bà Uyên. Nước tưới tiêu lẫn bùn đất, vẩn đục sau khi pha lẫn phèn chua khoảng 30 phút đã trở nên trong suốt giống nước sạch. Tuy nhiên, khi uống vào vẫn rất đậm mùi tanh của bùn đất, đồng thời, có vị hơi chua, chát. Ngoài ra, theo chia sẻ của một số hộ dân nơi đây, loại nước trên khi dùng để tắm rửa thì rất dính, có mùi khá khó chịu và đôi khi còn gây mẩn ngứa.
Không chỉ riêng gia đình bà Uyên, theo ông Vi Văn Thăng, Trưởng thôn Bản Mới B, toàn bộ 84 hộ dân tại thôn với trên 300 nhân khẩu đều phải chịu chung cảnh lấy nước mương làm sinh hoạt. Ông Thăng cho biết: Các hộ tại đây sử dụng nước được lấy tại cùng một tuyến mương thủy lợi. Ở đầu tuyến, rất nhiều hộ thoải mái tắm, giặt trực tiếp xuống mương khiến xà phòng, bụi bẩn cứ theo dòng chảy mà trôi dần về cuối tuyến. Điều này đồng nghĩa với việc hộ nào càng về cuối tuyến thì càng phải dùng nước bẩn hơn.
Trước tình trạng trên, trong nhiều năm qua, người dân đã thực hiện một số biện pháp như: đào hố gần dòng chảy để tích nước trong. Nhưng do lo ngại ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật, đến nay, không còn ai dùng biện pháp này. Bên cạnh đó, một số hộ cũng đã thử đào, khoan giếng để lấy nước. Tuy nhiên, do cấu tạo địa hình nên rất khó để tìm mạch nước ngầm. Hơn nữa, theo nhiều người dân cũng như theo đánh giá từ UBND xã Sàn Viên, nguồn nước ngầm tại đây đều bị ảnh hưởng do nằm gần mỏ than Na Dương và không thể sử dụng. Thậm chí, cứ đào sâu từ 2 – 5 m là lại thấy xỉ than.
Tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, chúng tôi được biết: Từ khoảng năm 1997, thôn Bản Mới B được nhà nước đầu tư công trình nước sạch sinh hoạt gồm 5 bể chứa và hệ thống đường ống dẫn nước dài gần 500 m từ hồ Tà Keo. Tuy nhiên, từ năm 2013, mưa lũ cùng với quá trình thi công tuyến mương thủy lợi qua các xã: Tú Đoạn, Sàn Viên, Khuất Xá… đã khiến gần 200 m đường ống bị hư hỏng. Tuy nhiên ở thời điểm đó, do giá trị thiệt hại lớn, người dân không có đủ nguồn kinh phí để sửa chữa nên công trình trên bị “bỏ quên” theo thời gian. Đến năm 2022, trải qua tác động từ thiên nhiên và nhiều nguyên nhân khác, hầu như toàn bộ đường ống trên đã bị hỏng hoàn toàn.
Từ đó đến nay, người dân vẫn ngày ngày sử dụng nguồn nước mương thiếu vệ sinh để sinh hoạt. Theo Trưởng thôn Vi Văn Thăng, do sử dụng nước bẩn đã gần chục năm, đại bộ phận người dân rất lo lắng cho sức khoẻ của bản thân cũng như những người thân trong gia đình. Trên thực tế, trong những năm qua, không ít người trong thôn do sử dụng nước tưới tiêu để tắm đã bị mẩn ngứa, mụn nhọt. Nhiều người tỏ ra lo lắng về nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hoá, nhất là đối với trẻ em.
Trước thực tế đó, các hộ dân trong thôn đã nhiều lần kiến nghị UBND xã có phương án để xử lý, khắc phục hệ thống dẫn nước để người dân có nguồn nước hợp vệ sinh hơn. Từ đó, UBND xã cũng đã tiến hành rà soát. Kết quả cho thấy, việc khôi phục, sửa chữa hệ thống đường ống dẫn nước cũ là bất khả thi do hệ thống trên đã bị hư hại quá lâu và ở mức độ quá nặng. Do đó, xã đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và có giải pháp cụ thể.
Ông Chu Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Sàn Viên cho biết: Nhiều lần, xã đã kiến nghị một số phương án để giúp bà con có nguồn nước sạch. Theo đó, để có nước sạch, cần kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nước sạch và cung ứng cho người dân với đơn giá theo quy định. Trong trường hợp phương án trên không thực hiện được, xã kiến nghị khi dự án xây dựng hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 2 được hoàn thành, xã sẽ thực hiện đấu nối đường ống dẫn nước từ hệ thống kênh bờ phải của công trình để dẫn nước về cho bà con. Tuy nhiên, đến nay, cả 2 phương án trên đều chưa thực hiện được do thiếu nguồn lực.
Nhiều lần kiến nghị, thế nhưng đến nay, hơn 80 hộ dân tại thôn Bản Mới B, xã Sàn Viên vẫn phải sử dụng nước tưới tiêu để làm nước sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, rất mong chính quyền huyện Lộc Bình cũng như các cấp, ngành liên quan sớm có giải pháp cụ thể để đem nước sạch đến cho người dân nơi đây.
Ý kiến ()