Các cựu thanh niên xung phong chung tay gây dựng trang trại ở xã Quảng Thắng. Cách đây 45 năm, khu vực núi Nhồi - núi Nấp xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), nơi có tuyến đường sắt xuyên Việt chạy qua là vùng trọng điểm đánh phá của địch nhằm cắt đứt mạch máu giao thông chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền nam. Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 873 thành lập đội xung kích bao gồm những đội viên ưu tú bám chốt, bám đường san lấp hố bom, gia cố đường sắt bảo đảm thông tuyến cho những chuyến tàu chở vũ khí, quân lương vào chiến trường.Trở lại cung đường máu lửaRiêng đầu năm 1967, đội xung kích đã đào đắp 10.000 m3 đất đá, khắc phục hậu quả hơn 140 trận phá hoại của không quân Mỹ, góp phần vận chuyển 16 nghìn tấn hàng cho tiền tuyến lớn. 8 giờ sáng ngày 11-5-1967, không quân địch liên tục đánh phá làm hỏng nặng hơn 200 m đường sắt. Trong mưa bom, bão đạn các TNXP do Đại đội phó Vũ Thị Minh Lý chỉ huy kiên trì...
Các cựu thanh niên xung phong chung tay gây dựng trang trại ở xã Quảng Thắng. |
Cách đây 45 năm, khu vực núi Nhồi – núi Nấp xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), nơi có tuyến đường sắt xuyên Việt chạy qua là vùng trọng điểm đánh phá của địch nhằm cắt đứt mạch máu giao thông chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền nam. Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 873 thành lập đội xung kích bao gồm những đội viên ưu tú bám chốt, bám đường san lấp hố bom, gia cố đường sắt bảo đảm thông tuyến cho những chuyến tàu chở vũ khí, quân lương vào chiến trường.
Trở lại cung đường máu lửa
Riêng đầu năm 1967, đội xung kích đã đào đắp 10.000 m3 đất đá, khắc phục hậu quả hơn 140 trận phá hoại của không quân Mỹ, góp phần vận chuyển 16 nghìn tấn hàng cho tiền tuyến lớn. 8 giờ sáng ngày 11-5-1967, không quân địch liên tục đánh phá làm hỏng nặng hơn 200 m đường sắt. Trong mưa bom, bão đạn các TNXP do Đại đội phó Vũ Thị Minh Lý chỉ huy kiên trì bám chốt, phối hợp cùng lực lượng công nhân đường sắt khôi phục đoạn đường. Hơn 20 giờ, bất ngờ máy bay địch xuất hiện, dội bom xuống đội hình làm 13 TNXP hy sinh, 22 đội viên khác bị thương. Chính quyền, nhân dân địa phương và các xã lân cận hỗ trợ chăm sóc thương binh, tử sĩ, khôi phục trận địa, cung đường. Tấm gương hy sinh anh dũng của 13 nữ TNXP đến từ quê lúa Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, sát cánh cùng quân – dân, lực lượng TNXP Thanh Hóa góp phần tô thắm thêm trang vàng lịch sử của dân tộc.
Người gác ghi chỉ dẫn tôi tìm gặp ông bà Hương-Dương từng gắn bó với các cung đường sắt, đường bộ ở Thanh Hóa trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền bắc. Thời điểm đó khu vực này còn có tuyến đường tránh dài khoảng ba km dẫn đầu máy, xe goòng vào Hang Bò – một thung lũng hẹp nằm chẹt giữa núi Nhồi và núi Nấp. Lực lượng TNXP đóng quân ở khu vực chân núi bám cung đường san lấp hố bom, gia cố nền đường, hỗ trợ công nhân đường sắt vận chuyển tà-vẹt, thanh ghi. Ông Phan Xuân Hương, quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An, làm thợ hàn đội cầu Hàm Rồng tình cờ gặp Lê Thị Dương, quê ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là công nhân đội cầu Nguyễn Thị Định. Tuyến đường sắt Thanh Hóa – Nghệ An cùng những tọa độ lửa trở thành nơi hội tụ, vun đắp nên tình yêu đôi lứa, tác hợp thành vợ chồng. Đi qua chiến tranh, dù mang thương tật trên mình nhưng ông bà may mắn có đông con, nhiều cháu, sống hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ bên cung đường máu lửa năm xưa và xem đây là quê hương thứ hai của mình. Ông Lê Văn Hát, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đông Sơn thông tin thêm: Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoài chăm lo đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền nam, các xã phía nam huyện Đông Sơn là nơi đón nhận đồng bào, các cơ quan, công sở tản cư. Đây cũng là khu vực tập kết của đội thuyền nan trên sông nhà Lê để vận chuyển vũ khí, quân trang, lương thực, thực phẩm vào chiến trường. Các làng, xóm liên tục bị máy bay Mỹ đánh phá, riêng làng Đa Sĩ (Đông Vinh) có tới 60 người dân bị chết do bom. Dẫu vậy, nhân dân vẫn bám làng, bám đồng, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, bảo vệ kho tàng, công sở.
Chung sức xây dựng quê hương
Phát huy bản lĩnh anh hùng trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, các cựu TNXP Thanh Hóa hôm nay luôn chăm lo, vun đắp nghĩa tình đồng đội, góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Đó là 12 nữ cựu TNXP C5N259, thuộc Tổng đội TNXP 572 cùng đoàn tụ, chung tay phát triển trang trại ở xã Quảng Thắng, nơi tập kết lực lượng TNXP trước ngày hành quân vào chiến trường C. Trên diện tích ba ha, giờ định hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi với vườn cây, ao cá, đàn lợn, bầy gà, vạt lạc, luống khoai… Mỗi tháng chỉ đạt mức tích lũy khoảng 600 nghìn đồng/người nhưng các cựu TNXP nơi đây tình nguyện dồn góp 100 nghìn đồng/người/tháng trợ giúp các cựu TNXP ở huyện Thiệu Hóa có gia cảnh khó khăn hơn; cùng chăm sóc, trợ giúp hai người con của những đồng đội gặp bạo bệnh mất sớm. Hằng ngày, sau buổi lao động, họ lại quây quần bên nhau xem ti-vi, ôn lại kỷ niệm chiến trường, hoạch định kế hoạch tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt đồng đội.
Cùng Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Triệu Sơn về thăm trang trại của anh Lê Văn Tám ở xã Thọ Sơn, tôi thật sự cảm phục bản lĩnh, nghị lực của cựu TNXP giữa bao lo toan, thử thách thời bình. Trở về xã Thọ Dân đối mặt với những khó khăn ở quê hương, từng gánh chịu hậu quả nặng nề bởi chiến tranh, năm 1993, ông Lê Văn Tám chuyển gia đình lên vùng kinh tế tây nam huyện Triệu Sơn nhận đất, trồng rừng, gây dựng cuộc sống. Trăn trở đánh thức tiềm năng đất đai, Lê Văn Tám huy động vốn, mua thêm đất của các hộ liền kề trồng bạch đàn, luồng, quế, xen canh cây nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tiếp đó, ông Tám thuê hàng trăm ngày công lao động đắp đập, làm tràn, tạo ba ha mặt nước để nuôi thả cá, tích trữ nước tưới cho cây trồng. Có sản phẩm thu hoạch nhưng từ trang trại tới đường nội xã chỉ là đường mòn, phương tiện không vào thu gom, vận chuyển lâm sản được. Ông Tám đã bỏ ra gần 600 triệu đồng mở bốn km đường vào khu Hố Ao nên nông, lâm sản của gia đình ông cùng gần chục hộ khu vực này đỡ bị ép giá, tiêu thụ dễ dàng. Gần đây, ông chuyển hướng sang trồng cây keo lai, bởi giống keo phù hợp thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu, phát triển nhanh, bốn năm đã cho thu hoạch. Ngoài ra gia đình còn nuôi 100 con dê, 20 con bò, hàng chục con lợn/lứa, cho nên doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ đó ông càng có thêm điều kiện nuôi bốn người con ăn học, trưởng thành, tích lũy tái mở rộng sản xuất; mạnh dạn đầu tư bảy cặp bò trợ giúp các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn cùng tổ chức chăn nuôi, nhân đàn, chia lợi nhuận.
Qua bảy năm hoạt động, các cấp hội tỉnh đã tập hợp được gần 60 nghìn cựu TNXP tham gia sinh hoạt công tác ở 2.350 chi hội thuộc 950 xã, phường. Nhằm cải thiện, trợ giúp cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn vươn lên cải thiện cuộc sống, tổ chức hội xây dựng được nguồn quỹ tám tỷ đồng hỗ trợ các hội viên vay phát triển sản xuất; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức nhân đạo sửa chữa 200 căn nhà, làm mới 300 nhà tình nghĩa tặng cựu TNXP sống đơn thân, thiếu nơi nương tựa. Đông đảo cựu TNXP trong tỉnh Thanh Hóa còn tình nguyện quyên góp thấp nhất 20 nghìn đồng/người trợ giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Bước đầu Hội cựu TNXP tỉnh đã tiếp nhận, trao tặng 1.000 sổ tiết kiệm có tổng giá trị hai tỷ đồng tặng cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()