Bản lĩnh khởi nghiệp của người đàn ông khuyết tật
(LSO) – “Mỏi không nghỉ, nản chẳng dừng” là tiêu chí mà anh Đặng Văn Duy, sinh năm 1983, thôn Phúc Tiến, xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn đặt ra trong hành trình cuộc đời của mình. Dù tàn tật nhưng anh luôn có một bản lĩnh kiên cường, dám nghĩ, dám làm và tự làm chủ cuộc sống của mình.
Trải qua một cơn bạo bệnh vào năm 1 tuổi, anh Duy được chẩn đoán bị liệt đôi chân và không có khả năng đi lại. Biết tin, bố mẹ anh Duy không khỏi chua xót. Dù nhà nghèo nhưng họ vẫn cố gắng chạy chữa cho con. Đến khi bệnh tình không khấm khá hơn, điều kiện chữa bệnh cũng không còn, bố mẹ anh Duy đành ngậm ngùi đưa con về nhà chăm sóc. Từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân của anh đều phụ thuộc vào người thân trong gia đình.
Anh Duy cho đàn chim bồ câu ăn
Anh Duy tâm sự: Khi nhận thức được mình không lành lặn như những người khác, tôi mất một thời gian dài để làm quen. Ban đầu, bố mẹ đặt đâu tôi nằm đấy, không thể ngồi dậy được, mọi sinh hoạt cá nhân đều do bố mẹ chăm bẵm. Mãi đến năm 10 tuổi, tôi mới có thể tự di chuyển, vệ sinh cá nhân và giúp đỡ bố mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, trông em… Nói là tự di chuyển được nhưng chân tôi vô cùng yếu, không thể đứng dậy được vì đã bị teo lại, việc di chuyển dường như phải nhờ sự hỗ trợ của đôi tay.
Đến tuổi đi học, anh Duy cũng thèm cảm giác cắp sách đến trường như bạn bè đồng trang lứa. Chiều lòng con, bố mẹ anh đăng kí cho anh theo học tại trường của xã. Thế nhưng, khát khao học chữ của anh không thắng nổi hiện thực. Sau một thời gian đến trường, do sức khỏe yếu khiến anh không theo kịp chương trình học, anh Duy đành gác lại ước mơ học chữ. Dù vậy, vì quá “thèm chữ” nên anh Duy thường tự lén học chữ cùng các em.
Con không được đến trường, bố mẹ anh Duy bèn mời thầy cơ khí về nhà dạy con. Một thời gian sau, anh trở thành thợ gò hàn, làm chìa khóa… kiếm tiền trang trải cuộc sống. Năm 2006, anh Duy kết hôn và đón con trai đầu lòng vào năm 2007. 5 năm sau, do mâu thuẫn nên vợ anh bỏ đi, để lại một mình anh nuôi con nhỏ. Từ đó, 2 bố con nương tựa nhau mà sống.
Nhận thấy làm gò hàn không giúp cuộc sống khấm khá hơn, anh Duy nung nấu khát vọng làm kinh tế. Năm 2017, anh mua 10 đôi chim bồ câu Titan siêu thịt về nuôi thử. Để có kinh nghiệm chăm sóc đàn chim, anh Duy đi đến một số tỉnh như: Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Ninh học tập. Năm 2018, anh mạnh dạn dùng số tiền dành dụm ít ỏi mua lồng và 50 đôi chim giống. Sau 1 năm, đàn bồ câu bắt đầu được bán, số lượng chim được nâng lên 150 đôi và duy trì đến bây giờ. Bước đầu, mô hình kinh tế đem lại cho anh Duy những “thành quả” đầu tiên. Trung bình mỗi năm, anh Duy cho xuất chuồng gần 200 đôi bồ câu, thu về gần 30 triệu đồng.
Là một người khuyết tật, anh Duy hiểu được sự khó khăn của những người đồng cảnh ngộ khác. Vì vậy, trong thời gian tới, anh sẽ phát triển thêm mô hình kinh tế của mình và tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật trên địa bàn. Đồng thời, anh sẽ hỗ trợ, giúp đỡ và tư vấn cho những người muốn làm kinh tế giống mình.
Có nghị lực và mạnh dạn khởi nghiệp, tháng 9/2020, anh Duy được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất giai đoạn 2015 – 2020.
Ông Nông Xuân Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Vũ Sơn cho biết: Anh Duy là một người có nghị lực, luôn vui vẻ, hòa đồng và chịu khó mày mò, tìm cách phát triển kinh tế, vượt lên hoàn cảnh. Bản lĩnh của Duy là tấm gương sáng giúp cho những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã học tập, noi theo.
Ý kiến ()