Bản lĩnh của người phụ nữ Việt
– Người ta thường nói: “Thế giới không có phụ nữ sẽ nhạt nhẽo, buồn tẻ như một vở kịch không có xung đột, như một cái bánh không nhân, như một giai thoại không có chất dí dỏm”. Thật đúng là “nếu trái đất chỉ có đàn ông” thì “hạnh phúc chẳng bao giờ có được”.
Ở nước ta, trong xã hội phong kiến, chế độ phụ quyền tồn tại hàng thế kỷ, người phụ nữ bị trói buộc bởi các luật lệ khắt khe, bất công: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Quan niệm trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp hèn nhất trong gia đình cũng như xã hội. Tuy vậy, người phụ nữ thời xưa luôn cố gắng để chứng tỏ bản lĩnh của mình: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyên phi Ỷ Lan, Huyền Trân công chúa là minh chứng sống động, thuyết phục cho những nhận xét ấy. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta có bao nhiêu người nổi tiếng như Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam – Nguyễn Thị Định. Bà nổi tiếng bởi tài thao lược và ý chí bất khuất, kiên trung và đã đi vào lịch sử thế giới với hình ảnh một nữ tướng ngồi khâu áo cho đồng đội rất đỗi dịu dàng. Nữ sĩ quan tình báo Đinh Thị Vân tổ chức điều hành mạng lưới tình báo tại Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ. Hệ thống tình báo của bà phục vụ đắc lực cho kế hoạch tiến công Tết Mậu Thân 1968 cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Chị Võ Thị Thắng bị giặc kết án 20 năm tù khổ sai, chị đã cười và tuyên bố dõng dạc: “Tôi chỉ sợ chính quyền các ông không đủ thời gian để thi hành bản án của tôi”. Nụ cười của chị trở thành nụ cười chiến thắng!
Hội viên phụ nữ dân tộc Nùng, thôn Nà Pó, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc tham gia múa sạp trong chương trình chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2022. Ảnh: DƯƠNG DUYÊN
Cuộc sống của chúng ta hôm nay thật hạnh phúc, chúng ta có tất cả những gì mà các mẹ, các chị của chúng ta hằng mong ước. Thời nào cũng vậy, vẻ đẹp của người phụ nữ như một hằng số bất biến ngàn đời. Đó là sự nhẫn nại, cam chịu, là sự thủy chung son sắt. Dù bao đau khổ, bất hạnh vẫn không thể vùi lấp được những vẻ đẹp đó. Những vẻ đẹp đó như những viên ngọc thô mà thời gian, những bất hạnh, khổ đau là chất xúc tác mài giũa ngày càng tỏa sáng. Các cụ ta thường nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Thời nay, đàn bà tự tay “xây nhà” không hề hiếm mà còn trở nên phổ biến. Vì thế, thế kỷ XXI đã thực sự trở thành thời đại của những người phụ nữ hiện đại và giỏi giang. Người phụ nữ đâu chỉ cần bản lĩnh, tài giỏi trong nữ công gia chánh mà còn làm được những việc mà bất cứ người đàn ông nào cũng mong muốn là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Ngày trước, người chồng kiếm tiền chi cho gia đình, người vợ ở nhà trông con, cơm nước, giặt giũ… ; công việc ấy được đặt tên là nội trợ. Hai tiếng “nội trợ” nghe đơn giản làm sao nhưng công việc thì không đơn giản chút nào. Sẽ thật đáng tiếc nếu phụ nữ quá bận rộn với công việc gia đình mỗi ngày và làm mất đi sự hiểu biết cá nhân cũng như ít liên lạc với thế giới bên ngoài. Người phụ nữ phải được tôn trọng như một “đối tác” tin cậy trong xây dựng gia đình vững chắc. Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm của phụ nữ thời hiện đại: họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế, họ còn giữ một thiên chức cao cả là làm mẹ, mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người.
Phát huy truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người phụ nữ Việt Nam luôn tôi rèn và khẳng định mình trong tám chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng: “Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu- Đảm đang”. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chị em lại khẳng định mình với phẩm chất của người phụ nữ hiện đại “Ấm no- Bình đẳng- Tiến bộ- Hạnh phúc”. Câu nói: “Đằng sau người đàn ông thành đạt là bóng dáng của người phụ nữ” lặng lẽ! Thế còn đứng đằng sau người phụ nữ thành đạt là ai ? Có người phụ nữ đã trả lời: đó là cả xã hội. Hành trình của một ngày tôn vinh phụ nữ quả thật không hề suôn sẻ hay giản đơn. Nói cách khác, để cho “xã hội đứng đằng sau người phụ nữ” là kết quả của một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ. Cuộc đấu tranh ấy có thể bắt đầu từ chính người phụ nữ để lan tỏa tới toàn xã hội. Trong kháng chiến, người phụ nữ đảm đương rất nhiều vai trò: làm người mẹ, người vợ thương con, chờ chồng, thầm lặng hy sinh tất cả cho ngày chiến thắng; là chiến sĩ xung phong nơi mưa bom bão đạn, đối mặt với cái chết không nao núng. Trong cuộc sống hôm nay, vị thế ngươi phụ nữ ngày càng được nâng cao, họ đã góp một phần không nhỏ trong sự chuyển mình của đất nước trên các lĩnh vực: khoa học, chính trị, văn hóa, xã hội; tạo nên một chân dung mới của người phụ nữ xây dựng đất nước, chăm lo gia đình và hoàn hiện bản thân. Ở phương diện nào, người phụ nữ cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, đã tạc vào lịch sử dân tộc một hình tượng cao quý ngời sáng như Bác Hồ đã khen ngợi “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Chị em vừa bảo đảm công tác xã hội, vừa thực hiện một trọng trách vô cùng quan trọng của phái yếu là chức năng làm vợ, làm mẹ. Họ đã cố gắng vươn lên và đã thành công trong lĩnh vực khoa học. Nhiều chị tuy tuổi đã lớn hay những chị có con nhỏ… vẫn thu xếp ổn thỏa việc nhà để theo chương trình cao học, nghiên cứu sinh… Có bao nhiêu giọt nước mắt lặng lẽ trôi, âm thầm trong đêm khuya để rồi ngày mai, họ lại gắng gượng để hoàn thành trách nhiệm được giao phó mà không cần một lời khen. Có lẽ một số ông chồng hay vị lãnh đạo quên hoặc nghĩ rằng chị em chỉ biết hy sinh mà không đòi hỏi gì! Người phụ nữ kiên cường bất khuất là thế nhưng trong cuộc sống đời thường, họ là những người kín đáo, ít bộc lộ niềm ao ước của mình, âm thầm và bình thản đón nhận sư… lãng quên mà không một lời phiền trách.
Cuộc sống hiện nay của chị em đã có một sự bù đắp lớn từ chồng, từ con. Giờ đây, họ rất đáng yêu, đáng trọng. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ trước lúc đi xa, các cấp lãnh đạo rất tâm lý, đã ưu đãi cho chị em trong phân công chuyên môn, sắp xếp thời gian biểu, chân thành chia sẻ với những vất vả mà phụ nữ phải chịu đựng, những đau thương, mất mát trong cuộc sống vốn đã xô bồ này. Người đàn ông dày dạn sương gió, bôn ba khắp chốn để mưu sinh nhưng tâm hồn vẫn rất yếu đuối và họ cần có một bờ vai, những bàn tay dịu dàng để che chở và chăm sóc lúc ốm đau, để lắng nghe và sẻ chia khi họ gặp thất bại hay khó khăn, trở ngại. Sự thật sẽ thiếu sót nếu cánh đàn ông không nhắc đến những người mẹ, người vợ, người bạn gái… luôn sát cánh bên họ, gần gũi, sẻ chia – những người có thể cho họ biết tận cùng của sự khổ đau, nhưng cũng mang đến những năm tháng của hạnh phúc thăng hoa vẹn tròn. Nhờ có phụ nữ mà cuộc sống này thêm ý nghĩa và nhờ có họ mà đàn ông mới biết thế nào là yêu và được yêu.
Hiện nay, nhiều cơ hội mới đang được mở ra cho sự phát triển của phụ nữ, nâng cao vị thế của họ. Mỗi người phụ nữ đã và đang tự hào về bản lĩnh riêng, bản săc riêng từ trí tuệ đến vẻ đẹp bên ngoài. Họ là những công dân ưu tú, giúp ích cho xã hội cũng như giữ ngọn lửa ấm của mỗi gia đình. Trong quá trình ấy, khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới rút ngắn dần và chuẩn mực “công, dung, ngôn, hạnh” mới đã thay đổi. Để khẳng định vai trò của mình, bản thân người phụ nữ trước hết phải ý thức đầy đủ vai trò về giới của mình, từ đó, mới có thể nắm bắt cơ hội, khẳng định được vị thế trong xã hội. Muốn vậy, phụ nữ hiện đại cần nỗ lực nhiều hơn trong việc trau dồi, tích lũy kiến thức cũng như vốn văn hóa. Khi có tri thức họ sẽ có nhiều cơ hội hơn và bản lĩnh hơn.
Nhân ngày 8/3 – ngày của một nửa thế gới, những người đã từng là mẹ là vợ, đang là mẹ là vợ sẽ được chúc tụng, được ngợi ca, được cảm ơn, được trân trọng. Dù rằng không một lời chúc, một bài ca nào có thể diễn tả hết tình cảm, công lao, sự hy sinh của phụ nữ cho thế giới này. Một bông hoa hay một lời chúc cho ngày 8/3 không chỉ dành cho những người phụ nữ thân yêu nhất của mỗi người đàn ông mà còn dành cho những người bạn, người đồng nghiệp, người hàng xóm và chị em gái – những người mà nhờ họ, chúng ta biết rằng cuộc đời này mới thật tươi đẹp, có ý nghĩa và đáng yêu đến nhường nào.
MAI TÙNG
Ý kiến ()