LĐLĐ tỉnh Long An bàn giao “Mái ấm Công đoàn” cho người lao động nghèo.
Khó cũng phải làm
Theo báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị 07-CT/T.Ư về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các DN tư nhân và DN có vốn FDI, tính tới cuối năm 2008, cả nước có 172.528 DN tư nhân và DN có vốn FDI, chiếm 93,6% tổng số DN trên cả nước. Nhưng, mới chỉ có 18.455 CĐCS tại hai loại hình này được thành lập, đạt 10,8%. Số liệu trên cho thấy, việc thành lập CĐCS trong các DN chậm so tốc độ phát triển của DN. Lý giải cho vấn đề này, Chủ tịch LĐLĐ huyện Chương Mỹ, Nguyễn Bá Thành cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu từ phía người sử dụng lao động (NSDLĐ) không tạo điều kiện, thậm chí nhiều DN né tránh. LĐLĐ huyện nhiều lần xuống tiếp cận nhằm vận động thành lập CĐCS nhưng không thể gặp được lãnh đạo DN. Có DN, cán bộ CĐ huyện phải đi lại tới cả chục lần, gửi rất nhiều hồ sơ phục vụ công tác thành lập CĐCS nhưng không nhận được hồi âm”.
Lâu nay, tâm lý chung của DN, nhất là DN có vốn FDI và DN tư nhân là “ngán ngại”, khất lần việc thành lập CĐCS, nhằm né tránh các quy định của pháp luật. Theo họ, hoạt động CĐCS vừa tốn kém thời gian, nhân lực, vừa rắc rối, lại phải đóng đoàn phí bằng 2% tổng quỹ tiền lương của DN. Bên cạnh đó, NLĐ ngoài những giờ tăng ca kiếm thêm thu nhập đã rất mất thời gian, mệt mỏi, lại phải dành thời gian sinh hoạt. Tâm lý không gắn bó lâu dài với DN nên họ không muốn đóng đoàn phí, không mặn mà với tổ chức CĐ, không muốn gia nhập. Thực tế, nhiều NLĐ không hay biết DN của mình có một tổ chức gọi là “công đoàn”. Để xảy ra tình trạng trên là do, CĐCS chưa thật sự có tiếng nói bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ, một phần do năng lực của cán bộ CĐCS yếu kém, phần vì cán bộ CĐCS, nhất là cán bộ CĐ bán chuyên trách ăn lương của NSDLĐ, họ làm việc vì ông chủ hơn là vì NLĐ và bảo vệ lợi ích cho NLĐ. Các cán bộ CĐCS hiện đang phải chịu áp lực từ hai phía. NLĐ giao phó cho họ đảm trách việc đại diện nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho họ mỗi khi có tranh chấp, mâu thuẫn về quyền và lợi ích giữa NSDLĐ và NLĐ. Thế nhưng, cán bộ CĐCS thường là bán chuyên trách, ăn lương của NSDLĐ, do vậy, mối quan hệ giữa tổ chức CĐCS với chủ DN khó có thể bảo đảm sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau khi giải quyết quyền và lợi ích trong quan hệ lao động. Thực tế, cán bộ CĐCS luôn ở thế yếu nên vai trò mờ nhạt là điều khó tránh khỏi. Trường hợp cán bộ CĐ có năng lực, dám đứng lên bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, NSDLĐ thường tìm mọi cách vô hiệu hóa.
TP Hà Nội là một trong sáu tỉnh thành trong cả nước được đánh giá là thành lập được nhiều CĐCS trong DN tư nhân và DN có vốn FDI (Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh), tuy nhiên việc thành lập CĐCS trong khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) cũng đang gặp nhiều trở ngại. Chủ tịch CĐ các KCN và KCX Hà Nội, Đinh Quốc Toản cho biết: “Hiện nay, địa bàn TP Hà Nội có tám KCN đi vào hoạt động với 348 DN. Đã thành lập 138 CĐCS với gần năm vạn đoàn viên trong DN có vốn FDI, trong tổng số 206 DN. Tại các DN lớn, nơi nào dễ vận động thì đã có CĐCS, còn lại các DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa nhận thức được đầy đủ về hoạt động CĐ, việc vận động thành lập CĐCS là hết sức nan giải. Trong khi đó, luật pháp chưa có chế tài cụ thể và chưa đủ mạnh đối với các DN cố tình không thành lập tổ chức CĐ. Bên cạnh sự thiếu và yếu của đội ngũ cán bộ công đoàn (CBCĐ), việc chưa xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ CBCĐ, có chế độ đãi ngộ vật chất, tinh thần xứng đáng cũng là nguyên nhân cản trở việc vận động, kết nạp NLĐ vào tổ chức CĐ”.
Điều 153 của Bộ Luật Lao động ghi rõ: DN được thành lập sau sáu tháng hoạt động cần phải thành lập CĐ. Điều 2, Luật Công đoàn quy định: NLĐ Việt Nam làm việc trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế đều có quyền thành lập và gia nhập tổ chức CĐ. Tuy nhiên, còn quá nhiều DN tư nhân và DN có vốn FDI né tránh hoặc cố tình chậm trễ không thành lập CĐCS. Phải chăng, Nhà nước chưa có chế tài cụ thể đủ mạnh, sự thiếu cương quyết nhằm xử lý mạnh tay vì sợ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư?
Thành lập tổ chức CĐ đã khó, việc duy trì hoạt động còn khó khăn hơn rất nhiều. Chủ tịch LĐLĐ huyện Đông Anh, Nguyễn Tiến Oai chia sẻ: “Thực tế, nhiều DN thành lập CĐCS chỉ mang tính hình thức để phục vụ cho công việc xuất khẩu hàng, sau đó bỏ mặc không hoạt động cũng không đóng đoàn phí. Chính vì vậy, LĐLĐ các quận, huyện, ngành vừa phải tiến hành phát triển đoàn viên, thành lập CĐ ở những đơn vị mới, vừa phải thường xuyên động viên, kiểm tra nhắc nhở các DN đã thành lập tổ chức CĐ”. Từ thực tiễn hoạt động, nhiều CBCĐ cấp trên cơ sở cho rằng, việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS hiện nay là phần việc “xương” nhất, “gai góc” nhất trong các phần việc của hoạt động CĐ. Khu vực DN Nhà nước, nơi khá thuận lợi cho việc vận động thì không có “nguồn” để phát triển đoàn viên, do lực lượng lao động tương đối ổn định; thậm chí, số DN nhà nước ngày một ít đi do sự sắp xếp, chuyển đổi DN. Mục tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS hiện nay tập trung chủ yếu tại khu vực các DN tư nhân và DN có vốn FDI. DN tư nhân được tổ chức với quy mô nhỏ, địa điểm, ngành nghề kinh doanh không ổn định, nhiều DN mang tính chất gia đình, dòng họ, lao động thường xuyên thay đổi. Theo báo cáo của Viện Công nhân-công đoàn, 81% số DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ có dưới 20 lao động. Trong khi đó, DN có vốn FDI thu hút số lao động lớn, tuy nhiên, NSDLĐ trong các DN này lại né tránh. Với phương châm, dù khó khăn mấy cũng phải làm, Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam xác định nhiệm vụ quan trọng số 1 của tổ chức CĐ là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên và NLĐ; xác định việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là nhiệm vụ sống còn của tổ chức CĐ. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Nghị quyết “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS”. Theo đó, phấn đấu đến năm 2013, có hơn 70% CĐCS trong các DN tổ chức thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, hơn 60% công nhân lao động khu vực DN ngoài Nhà nước gia nhập tổ chức CĐ và 70% DN có đủ điều kiện thành lập CĐCS. Phấn đấu thành lập CĐCS ở 100% DN có từ 50 lao động trở lên…
Thay đổi từ nhận thức
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về CĐ, muốn hoàn thành mục tiêu trên, trước hết cần thay đổi nhận thức về vai trò của CĐCS trong các mối quan hệ lao động. Một điều không thể phủ nhận, CĐCS đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo mối quan hệ hài hòa giữa NLĐ và NSDLĐ.
Thực tế cho thấy, do không có CĐCS hoặc có nhưng không phát huy được vai trò, nhiều DN phải đối mặt với những rắc rối pháp lý không đáng có và thiệt hại cũng không nhỏ. Tính từ năm 1995 đến hết năm 2010, cả nước xảy ra hơn 3.400 cuộc ngừng việc tập thể, đình công tự phát của NLĐ. Trong đó số vụ đình công xảy ra tại DN có vốn FDI chiếm hơn 73%. Nguyên nhân chính là DN chưa có CĐCS hoặc Ban chấp hành CĐCS hoạt động yếu kém, không tham gia điều tiết, tổ chức đình công đúng luật (một cuộc đình công được xem là hợp pháp khi diễn ra đúng các trình tự do công đoàn tổ chức). Rõ ràng, hậu quả của những cuộc đình công quy mô lớn và kéo dài, người gánh chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất không ai khác là chủ DN. Họ vẫn phải trả lương cho những lao động không đình công (nhân viên phải tạm nghỉ việc do đình công) trong khi các chi phí cố định vẫn phát sinh. Nghiêm trọng hơn là việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, mất uy tín với khách hàng, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh do phải tập trung giải quyết tranh chấp… Ông Nguyễn Tiến Oai cho rằng: “NSDLĐ cần nhận thức rằng lợi nhuận của DN là do NLĐ làm ra chứ không phải từ sự đầu tư của họ. Do vậy, việc thành lập CĐCS chính là chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ trong DN, chính là giúp DN thực thi một cách đúng đắn Luật Lao động. Qua đó, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa NSDLĐ và NLĐ. Một khi đời sống NLĐ được chăm lo đúng mực, quyền và lợi ích chính đáng được bảo đảm, họ sẽ gắn bó lâu dài với DN, năng suất, hiệu quả lao động qua đó được nâng cao. Và người hưởng lợi nhiều nhất không ai khác ngoài DN”.
Để thay đổi nhận thức của hai bên về vai trò CĐCS, không ai khác chính là năng lực của đội ngũ CBCĐ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ CĐCS. Chủ tịch CĐCS, Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam với hơn 7.500 lao động, đóng tại Khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương Vũ Ngọc Linh, chia sẻ: “Điều cốt tử là cán bộ CĐCS không được “nợ” NLĐ bất kỳ một thắc mắc nào, dù nhỏ nhất. Để làm được điều này, đòi hỏi người cán bộ CĐCS phải có quá trình rèn luyện, nâng cao năng lực, bản lĩnh, sự tín nhiệm của giới chủ cũng như NLĐ đối với họ”. Hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang xúc tiến việc đưa CBCĐ chuyên trách vào hoạt động tại các DN có vốn FDI, tuy nhiên, với tám năm kinh nghiệm hoạt động của mình, ông Linh cho rằng: Vấn đề này hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Tâm lý của giới chủ không bao giờ thích “người ngoài” vào làm việc trong công ty của họ. Trong khi NSDLĐ chỉ muốn khai thác sức lao động, thì CBCĐ chuyên trách, ăn lương theo ngạch CĐ, bảo vệ lợi ích và quyền lợi của NLĐ, sự “mất lòng” rất dễ xảy ra. Để CĐCS hoạt động vững mạnh, nhất thiết những CBCĐ phải đi lên từ cơ sở, được NLĐ bình chọn ra. Chính họ là người lăn lộn, hiểu được hoàn cảnh, điều kiện kinh doanh của DN cũng như nắm chắc nhất nguyện vọng, yêu cầu của NLĐ. Người Chủ tịch CĐ cũng phải xây dựng được một Ban Chấp hành đoàn kết, tâm huyết, cùng chí hướng để có thể đồng hành lâu dài trên con đường đấu tranh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ”.
Từ góc độ quản lý vĩ mô, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Nguyễn Văn Ngàng cho rằng: “Chỉ thị 07 của Bộ Chính trị ra đời nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng đối với việc tổ chức xây dựng các tổ chức CĐ trong các DN ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, đa số các DN ngoài khu vực Nhà nước chưa có tổ chức Đảng, vì vậy, CĐCS nếu có cũng hoạt động một cách đơn độc. Một số DN tuy có tổ chức cơ sở Đảng nhưng chưa phát huy được vai trò lãnh đạo, khiến tổ chức CĐ thiếu chỗ dựa. Do đó, cần có sự thống nhất cao về quan điểm, nhận thức tập trung chỉ đạo đồng bộ, thống nhất thường xuyên từ trên xuống dưới của các cấp trong hệ thống CĐ và sự lãnh đạo của các cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, phát huy vai trò chỉ đạo của tổ chức Đảng trong phát triển tổ chức CĐ”. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt một số nội dung, các khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quản lý và sử dụng CBCĐ. Đặc biệt, phải xây dựng và thực hiện tốt các chế độ chính sách nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ CĐCS, nhất là chính sách tiền lương, thu nhập, khen thưởng cán bộ CĐ qua việc phát triển Quỹ hỗ trợ cán bộ CĐCS khi gặp rủi ro trong việc đấu tranh bảo vệ lợi ích cho NLĐ. Đối với LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố cần đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền đối với NLĐ, tăng cường cán bộ chuyên trách có năng lực, bản lĩnh cho CĐ cấp trên trực tiếp và CĐCS DN ngoài Nhà nước…
Ý kiến ()