Bán lẻ hàng hoá dịch vụ tiêu dùng tăng 3% tháng giáp Tết
Giá cả không tăng quá nhiều dù nhu cầu mua sắm tháng giáp Tết tăng cao. |
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong tháng giáp Tết Nguyên đán diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị đã chủ động dự trữ hàng hóa, nguyên liệu nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2018 ước tính đạt 361,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,38%.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 ước tính đạt 272 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 4,1% và tăng 7,5%; may mặc tăng 4,4% và tăng 7,5%; phương tiện đi lại tăng 2,9% và tăng 5,6%…Một số địa phương có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hà Nội tăng 16,2%; Hải Phòng tăng 13,6%; Bắc Ninh tăng 13,1%; Đà Nẵng tăng 13%…
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2018 ước tính đạt 45,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu tăng khá so với cùng kỳ năm trước như Quảng Ninh tăng 29,9%; Thanh Hóa tăng 15,2%; TP.HCM tăng 8,9%; Hà Nội tăng 8,5%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng khá so với cùng kỳ năm trước do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tăng cao, đồng thời dịch vụ ăn uống ngoài gia đình có xu hướng tăng trong những ngày đầu năm mới.
Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng ước tính đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của một số địa phương tăng cao: Ninh Bình tăng 75,7% so với cùng kỳ năm trước; Quảng Ninh tăng 45,8%; TP.HCM tăng 44,1%; Bắc Ninh tăng 34,2%; Hà Nội tăng 33,2%. Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng đạt khá chủ yếu do tác động tích cực của các chính sách, biện pháp thu hút khách du lịch và các chiến lược xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 1 ước tính đạt 40,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương có doanh thu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Cao Bằng tăng 18,8%; TPHCM tăng 17,1%; Ninh Thuận tăng 11,7%.
Việc bảo đảm chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 là một nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm.
Mới đây, trong thông báo kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Vương Đình Huệ đã lưu ý đặc biệt về vấn đề này. Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành (Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giao thông vận tải, Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Thông tin truyền thông) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác phối hợp bảo đảm cung cầu hàng hóa, giao thông vận tải thông suốt trong dịp Tết. Trong đó, chú trọng kiểm soát giá các hàng hóa dịch vụ có nhu cầu tăng cao như dịch vụ vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, thăm quan, lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân đến các địa điểm bán hàng sạch, hàng bình ổn giá, phản ánh trung thực về cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền chương trình “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trực Tết để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán.
Khác với nhiều năm trước, giá cả tiêu dùng tháng 1/2018 là tháng giáp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất không tăng nhiều (mức tăng CPI là 0,51%) dù nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như của các doanh nghiệp, các cơ quan tăng hơn các tháng trước.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1/2018 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu là giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt vào ngày 04/1/2018 và ngày 19/1/2018. Các nguyên nhân nữa là do giá điện sinh hoạt tăng 2,64% do giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 01/12/2017 và giá dịch vụ y tế tăng cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của UBND 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định trong Thông tư số 02/2018/TT-BYT ngày 15/3/2018 của Bộ Y tế.
Ý kiến ()