Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
Chiều 25/12, Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020 và đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV (nhiệm kỳ 2011 - 2015).
Chiều 25/12, Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về kết quả thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 – 2020 và đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV (nhiệm kỳ 2011 – 2015).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TH). |
Các đồng chí: Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự buổi làm việc.
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, sự năng động, sáng tạo của các cấp ủy đảng, sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự cố gắng nỗ lực của doanh nghiệp, nhân dân, 3 năm qua, kinh tế Thủ đô duy trì phát triển, bình quân giai đoạn 2011 – 2013 GDP tăng 8,91%. Trong đó, ngành dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất 9,8%, ngành công nghiệp – xây dựng tăng 8,7%/năm; ngành nông nghiệp tăng 2,6%/năm. Kinh tế Thủ đô luôn giữ mức tăng khoảng 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.
Năm 2013, Thành phố Hà Nội đã đóng góp 10,1% GDP, 7,5% kim ngạch xuất khẩu; 17,2% ngân sách và 21,64% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước. Đáng chú ý, Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách đạt 161.179 tỷ, bằng 100,3% dự toán 2013, tăng hơn 10% so với năm 2012. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tầu, là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với kinh tế của cả nước.
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ, y tế tiếp tục được chú trọng; công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được tăng cường; nông nghiệp và hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Cải cách hành chính có chuyển biến rõ nét, kỷ cương hành chính được tăng cường…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế – xã hội Thủ đô vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, còn trì trệ, thiếu năng động, sáng tạo. Sự phối, kết hợp của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức một số công việc còn thiếu hiệu quả. Kinh tế đạt khá nhưng một số chỉ tiêu về kinh tế dự kiến không đạt kế hoạch. Cân đối ngân sách gặp khó khăn. Sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn, tỷ lệ nợ xấu cao, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn. Cải cách hành chính và việc thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm người đứng đầu các cơ quan hành chính chưa triệt để. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định…
Tại buổi làm việc, Thành ủy Hà Nội kiến nghị với Bộ Chính trị và các cơ quan Trung ương tăng cường phân cấp cho Hà Nội đối với các lĩnh vực, vấn đề cụ thể như đầu tư, tài chính,… để tăng tính tự chủ cho thành phố trong giải quyết công việc của Thủ đô; Chính phủ bố trí vốn ngân sách Trung ương hằng năm để hỗ trợ Hà Nội đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn; Các cơ quan Trung ương phối hợp xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch ngành liên quan đến Thành phố như giao thông, thủy lợi, y tế, đào tạo…; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho thành phố thu hút đầu tư phát triển các khu công nghệ cao, các dịch vụ cao cấp; Đồng thời tích cực chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xây dựng và thực hiện kế hoạch với lộ trình cụ thể di dời các trụ sở làm việc của các cơ quan Trung ương, trường đại học, bệnh viện và các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Trung ương ra ngoại thành và bàn giao lại các cơ sở cũ cho Hà Nội quản lý, khai thác, sử dụng phục vụ phát triển cộng đồng…
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TH). |
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá cao những thành tựu của Thủ đô trong những năm qua. Đồng chí khẳng đinh, Hà Nội ngày càng thể hiện rõ vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, xã hội của cả nước. Đồng chí khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực nhằm thực hiện tốt nhất các giải ph,áp phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Hà Nội chủ động hơn, sáng tạo hơn trong việc phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành để cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, phát triển nguồn nhân lực… để tạo đà cho thành phố đột phá, phát triển. Đồng thời, Hà Nội cần cụ thể hóa quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong quá trình phát triển; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh; nâng cao năng lực quản lý điều hành…, phấn đấu để Thủ đô là địa phương đi đầu, về đích trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của đoàn công tác, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, những thành tựu Hà Nội đạt được có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của nhân dân. Các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc thể hiện mong muốn, đòi hỏi Hà Nội phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những khó khăn để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Đồng thời mong muốn, Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ban, ngành quan tâm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ Thủ đô tiếp tục phát triển…
Theo CPV
Ý kiến ()