Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế địa phương
- Chiều 15/8, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn làm việc với Tỉnh ủy Lạng Sơn về việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế để phục vụ xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết đến các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội... Đồng thời, chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và các ngành liên quan cụ thể hóa nghị quyết bằng kế hoạch, đề án, chương trình.
Trong hơn 5 năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Giai đoạn 2019 - 2023, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm triển địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2019 – 2023 đạt 6,27%. Quy mô kinh tế theo giá hiện hành năm 2023 là 45.481,1 tỷ đồng, gấp 1,4 lần năm 2019; GRDP bình quân đầu người đạt 56,23 triệu đồng, gấp 1,3 lần năm 2019.
Đối với nguồn nhân lực, quy mô dân số bình quân của tỉnh năm 2023 là 807,31 nghìn người (tăng 3,13% so với năm 2019). Cơ cấu lao động có sự chuyển biến tích cực, đúng định hướng. Công tác giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực.
Đối với nguồn vật lực, các cơ chế, chính sách của tỉnh được rà soát hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn của tỉnh nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn. Tỉnh đã huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư, phân bổ nguồn vốn hợp lý, phù hợp với nhu cầu cấp thiết của các địa phương.
Đối với nguồn tài lực, nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh Lạng Sơn cơ bản từ nguồn vốn đầu tư công do Trung ương phân bổ và nguồn ngân sách địa phương đối ứng, bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động được khoảng 2.272,38 tỷ đồng vốn ODA lồng ghép thực hiện các mục tiêu.
Tại buổi làm việc, tỉnh đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương các nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông; kinh tế biên mậu; phát triển lâm nghiệp; đầu tư cho các dự án điện năng lượng tái tạo; cơ chế chính sách cho người dân sinh sống tại khu vực biên giới; nâng cấp, mở rộng Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng; bố trí vốn xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Đồng Đăng.
Trong chương trình làm việc, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW; đề xuất một số giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả từng mục tiêu theo tinh thần của nghị quyết nhằm giúp tỉnh Lạng Sơn khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ khẳng định: Trong hơn 5 năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, qua đó góp phần làm thay đổi diện mạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng nhận thấy vẫn còn những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Đồng chí nêu rõ: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực, trong thời gian tới, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các nội dung của Nghị quyết số số 39-NQ/TW đến các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; chủ động tổ chức triển khai, vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa những quan điểm, đường lối, các chương trình, kế hoạch của Trung ương phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tiếp tục tập trung khai thác những lợi thế của tỉnh, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài ngân sách nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cũng đề xuất một số nội dung nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW trong thời gian tới. Cụ thể như: Bộ Chính trị tiếp tục có kết luận sau khi sơ kết để các địa phương tiếp tục đối chiếu để triển khai thực hiện; Chính phủ và các bộ ngành trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống luật liên quan; tiếp tục nghiên cứu về những ngành nghề đặc thù của từng vùng, miền, từ đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát thực tiễn, qua đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế của các địa phương.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Lạng Sơn trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW với cách làm bài bản, khoa học và mang lại nhiều kết quả tích cực.
Đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của tỉnh để phục vụ xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Ban Kinh tế Trung ương sẽ có báo cáo độc lập, báo cáo các cấp có thẩm quyền về các nội dung khó khăn, vướng mắc của tỉnh để sớm được quan tâm, tháo gỡ.
Đồng chí Trưởng đoàn công tác cũng lưu ý: Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế địa phương. Trong đó, tiếp tục quan tâm huy động nguồn lực để đầu tư, phát triển khu kinh tế cửa khẩu, đặc biệt là tập trung triển khai có hiệu quả Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh sau khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tình hình xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, cũng như phương án triển khai Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận tải hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 và khu vực mốc 1119 – 1120 thuộc Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Ý kiến ()