Sau hơn ba năm cân nhắc, cuối cùng ngày cáo chung của lò gạch thủ công ở tỉnh Bắc Giang cũng đã đến. Từ ngày 1-3 này, tất cả các lò gạch thủ công (LGTC) trên địa bàn sẽ phải ngừng hoạt động theo đúng Quyết định số 147-QĐ/UB ngày 31-12-2009 của UBND tỉnh. Chừng đó thời gian cũng đủ cho người làm gạch chuyển đổi nghề nghiệp nhưng dường như khi quyết định có hiệu lực, vẫn khiến người dân làm gạch thấy lo ngại. Nhiều người vẫn giữ lò và ngóng thái độ của cơ quan chức năng... Người dân ở thôn Trại Mít (Lục Nam) khẩn trương ra những mẻ gạch cuối cùng.Có lẽ, đối với tỉnh Bắc Giang, các LGTC có một vị trí đặc biệt đối với đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đến thời điểm khi Quyết định 147 của tỉnh ra đời, trên địa bàn có gần 3.000 LGTC, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm triệu viên gạch thành phẩm. Tính đến năm 2005, số gạch đốt lò thủ công chiếm hơn 80% số gạch xây dựng của địa...
Sau hơn ba năm cân nhắc, cuối cùng ngày cáo chung của lò gạch thủ công ở tỉnh Bắc Giang cũng đã đến. Từ ngày 1-3 này, tất cả các lò gạch thủ công (LGTC) trên địa bàn sẽ phải ngừng hoạt động theo đúng Quyết định số 147-QĐ/UB ngày 31-12-2009 của UBND tỉnh. Chừng đó thời gian cũng đủ cho người làm gạch chuyển đổi nghề nghiệp nhưng dường như khi quyết định có hiệu lực, vẫn khiến người dân làm gạch thấy lo ngại. Nhiều người vẫn giữ lò và ngóng thái độ của cơ quan chức năng…
Người dân ở thôn Trại Mít (Lục Nam) khẩn trương ra những mẻ gạch cuối cùng.
Có lẽ, đối với tỉnh Bắc Giang, các LGTC có một vị trí đặc biệt đối với đời sống kinh tế – xã hội của tỉnh từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đến thời điểm khi Quyết định 147 của tỉnh ra đời, trên địa bàn có gần 3.000 LGTC, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm triệu viên gạch thành phẩm. Tính đến năm 2005, số gạch đốt lò thủ công chiếm hơn 80% số gạch xây dựng của địa phương, lò gạch cũng tạo công ăn việc làm cho khoảng 25 nghìn lao động nông thôn, chưa kể hàng chục nghìn người khác có thêm thu nhập lúc nông nhàn. Đấy là chưa kể hàng chục nghìn hộ dân vùng nông thôn đều có thể tự đóng gạch, đốt lò làm gạch để xây một ngôi nhà theo kiểu tự cung tự cấp như thời bao cấp. Khi xuất hiện lò đứng, lò tuy-nen và nhu cầu xây dựng cũng dần bão hòa, người ta mới có điều kiện nhìn lại những tác hại của LGTC đối với môi trường sống, cơ sở hạ tầng, đường giao thông và tài nguyên.
Hóa ra, lâu nay gần 3.000 LGTC thi nhau thải ra không khí hàng triệu m3 khí độc có tác hại trực tiếp đến sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi; các lò gạch cũng xâm hại và làm lãng phí một lượng đáng kể tài nguyên đất, nước, chất đốt; những xe tải, công nông, xe tải chở gạch cũng là thủ phạm làm hỏng hàng trăm km đường giao thông nông thôn. Hơn nữa, hiện trên địa bàn cũng có hàng chục nhà máy gạch tuy-nen lò đứng, đủ sức đáp ứng nhu cầu gạch, ngói xây dựng của tỉnh. Mà hiệu quả cũng như độ an toàn của các loại gạch công nghệ hiện đại nói trên đã được kiểm chứng. Điều đó cho thấy quyết định dừng đốt LGTC cũng đã được cân nhắc, tính toán rất kỹ từ các cơ quan chức năng. Nó bảo đảm được nhiều yếu tố như đã nói ở trên cũng như có thời gian hơn ba năm cho người làm nghề tìm cách chuyển đổi sản xuất hoặc có phương án khác ổn định cuộc sống.
Theo số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang cung cấp, hiện số LGTC còn nhiều, nhất là trên địa bàn các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Tân Yên và TP Bắc Giang. Nhiều vùng, người dân dựng lò tập trung lên đến hàng trăm lò như khu Ngòi Sim (Việt Yên), Đồng Bừa (Yên Dũng), Tiên Hưng (Lục Nam)… Mỗi khi đốt lò, cả một vùng rộng 2 km2 không nhìn thấy mặt trời do vướng khói bụi. Nhiều hộ dân ở gần phải lựa chiều gió để thở và cũng không dám cho gia súc ở nơi thuận gió. Tuy nhiên, làm gạch thủ công lại tạo thu nhập khá ổn định cho hàng trăm hộ dân trong làng cũng như giải quyết khâu kiên cố hóa nhà cửa cho hầu hết người dân trên địa bàn.
Để tìm hiểu thực tế đời sống và tâm tư người dân làm gạch thủ công trước khi Quyết định 147 của tỉnh có hiệu lực, chúng tôi đã tìm đến một vài “điểm nóng” trên địa bàn. Chị Hằng, chủ lò gạch ở thôn Trại Mít (Đông Hưng, Lục Nam) than thở: “Cả nhà tôi năm khẩu đều trông cả vào cái lò gạch này. Ruộng thì không có, mà tuổi này đi làm thuê chẳng có chỗ nào nhận nữa, rồi đây chưa biết sinh sống thế nào”. Anh Hồng, một chủ lò gạch ở Hồng Thái (Việt Yên) băn khoăn khi chúng tôi hỏi về thời hạn dừng đốt LGTC của tỉnh: “Tôi đốt gạch được hơn 10 năm nay rồi, cả nhà sáu khẩu sống khỏe. Cũng biết là làm gạch thủ công độc hại nhưng chưa biết chuyển nghề gì khác. Ruộng thì không có mà làm ruộng cũng không quen nữa, biết làm gì đây. Quyết định của tỉnh thì chấp hành thôi nhưng quả thực chúng tôi không khỏi lo lắng”. Cũng đầy tâm sự như anh Hồng, gia đình anh Vĩnh ở Lãng Sơn (Yên Dũng) vừa đốt xong lò gạch cuối cùng đành ngậm ngùi phá lò “lấy đất về tôn cao cái sân”. Anh tâm sự: “Thì tỉnh không cho đốt nữa, phải theo thôi chứ biết làm sao. Vợ chồng tôi lại quay ra sông bắt con tôm, con tép đắp đổi qua ngày vậy. Cũng may làm gạch mấy năm, còn gửi tiết kiệm được ít tiền chu cấp cho các cháu đi học”. Được biết, từ khi tỉnh ra Quyết định 147, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thắt chặt thời gian đốt lò, khối lượng gạch, thậm chí xử phạt các chủ lò gạch nhưng số lượng chủ lò phá lò, chuyển nghề rất thấp. Thậm chí, nhiều chủ lò còn tích trữ gạch chưa nung và nghe ngóng thái độ của cơ quan chức năng như thế nào trước khi dừng hẳn.
Trao đổi ý kiến với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh về quyết định phá bỏ LGTC, ông cho biết: “Thực tế cho thấy vai trò của LGTC trên địa bàn đã chấm dứt và lẽ ra chúng tôi phải làm điều này từ ba năm trước. Tuy nhiên, vì muốn để bà con có thời gian chuyển đổi sản xuất, tỉnh mới ra một quyết định mà đến tận hơn ba năm mới có hiệu lực như vậy. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các yếu tố và quyết tâm không để bất cứ một LGTC nào tồn tại nữa”. Theo ông Linh, ngoài lực lượng chức năng giám sát việc dừng đốt và phá bỏ LGTC là các sở, ngành liên quan, chính quyền xã còn tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý bất kỳ trường hợp nào vi phạm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tuyên truyền, xử phạt, phá bỏ các LGTC theo Quyết định 147 của tỉnh Bắc Giang đã tiến hành khá triệt để. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa của vấn đề, còn việc rà soát hợp đồng thuê đất, rà soát lao động, kế hoạch đào tạo, chuyển đổi nghề cho người làm gạch thì hầu hết mới chỉ thực hiện bước đầu. Trong số đó, đa phần là lao động nông thôn chưa qua đào tạo, phụ nữ trung tuổi “không doanh nghiệp nào nhận”. Bên cạnh đó, việc bình ổn thị trường gạch ngói xây dựng, triển khai công nghệ mới sản xuất loại vật liệu này khi ngừng lò thủ công cũng chưa có tính toán cụ thể. Tất cả đều mới chỉ được UBND tỉnh ban hành quyết định giao các cơ quan chức năng như sở: Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công thương triển khai thực hiện vào những tháng cuối năm 2011 vừa qua và đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Như thế, đối với việc ổn định đời sống của gần 25 nghìn người lao động, ổn định thị trường vật liệu xây dựng trong tỉnh, liệu có quá muộn?
Theo Nhandan
Ý kiến ()