Băn khoăn tách Luật Giao thông đường bộ
Theo ý kiến một số chuyên gia giao thông, để theo kịp sự tiến bộ của khoa học-công nghệ, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần bổ sung và hoàn thiện các nội dung chi tiết còn thiếu sót của Luật Giao thông đường bộ 2008 là cần thiết nhưng tách ra thành hai luật Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông là không phù hợp bởi sẽ làm mất tính logic, quan hệ tương hỗ và phá vỡ sự thống nhất giữa các nội dung cấu thành lĩnh vực giao thông đường bộ.
Dự thảo hai luật hiện còn có rất nhiều luồng ý kiến băn khoăn, trái chiều, cần tiếp tục lấy thêm ý kiến các cơ quan quản lý, chuyên gia và người dân,…
Lo ngại phá vỡ tính đồng bộ hệ thống
Theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, theo chỉ đạo của Chính phủ, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được sửa đổi theo hướng tách làm hai luật mới: Luật Ðường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Theo ông Thanh, để thực hiện một quy định về giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ phải tham khảo hai luật, từ đó phát sinh bất cập và có khả năng tranh chấp trách nhiệm, quyền hạn giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an trong quản lý giao thông đường bộ.
Ðơn cử, về hệ thống báo hiệu đường bộ và quản lý, đào tạo cấp giấy phép lái xe, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tới nay đều quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành, quản lý, nhưng tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông lại muốn đưa tất cả về phía Bộ Công an. Lần này, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) lại tách thành hai luật để điều chỉnh phương thức vận tải đường bộ, như vậy có cần thiết và hợp lý hay không? Có phá vỡ sự đồng bộ về hệ thống pháp luật giao thông vận tải của nước ta và có phù hợp thông lệ quốc tế hay không?, ông Thanh nêu câu hỏi. Ông cũng đánh giá việc tách ra thành hai luật là duy ý chí, không có cơ sở khoa học, vô hình trung thừa một luật nhưng luật nào cũng bị thiếu. Nếu tách như vậy, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ thiếu hai thành tố quan trọng là quy tắc giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, còn Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ lại không phủ hết các nội dung liên quan an toàn giao thông đường bộ như: kết cấu hạ tầng đường bộ, phương tiện giao thông, vận tải đường bộ. Không vì thay đổi một số nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, ngành trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hoặc lý do nào khác, mà phải xây dựng hai luật, vừa phức tạp lại tốn kém không cần thiết. Tháng 11/2020 vừa qua, Quốc hội đã lấy ý kiến và có hơn 60% số đại biểu không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật; không tán thành chuyển chức năng quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. “Những người am hiểu ngành giao thông vận tải cần lên tiếng phản biện mạnh mẽ để cơ quan soạn thảo nghiêm túc thực hiện. Bộ Giao thông vận tải phải dũng cảm đứng ra đảm nhận chức năng, nhiệm vụ đã được xã hội và Nhà nước giao phó. Tôi tha thiết đề nghị đại biểu Quốc hội khóa 15 hãy cẩn trọng khi biểu quyết thông qua Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để không phụ lòng cử tri”, ông Thanh nêu ý kiến.
Ðào tạo, cấp bằng nên giao dân sự
Các chuyên gia giao thông đánh giá, gần 30 năm, kể từ khi tiếp nhận đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Bộ Công an (năm 1995), Bộ Giao thông vận tải đã quản lý tốt, ổn định công tác này. Nếu Bộ Công an đảm nhận lại, sẽ khép kín từ đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái đến xử lý vi phạm, có thể thuận lợi hơn cho ngành công an, nhưng lại không bảo đảm tính độc lập của ba thành tố lập pháp, hành pháp và tư pháp vì không có cơ chế giám sát quyền lực. Ðó là chưa kể sẽ có hàng nghìn cán bộ, nhân viên ngành giao thông mất việc làm hoặc phải chuyển đổi công việc, còn Bộ Công an phải tuyển dụng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, chiến sĩ mới làm nhiệm vụ này và đầu tư một loạt trang thiết bị mới, gây tốn kém rất lớn cho ngân sách. Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn (Trường đại học Việt Ðức) cho hay, trên thế giới, ngành giao thông vận tải quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe từ hơn 80% đến 85%, việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe hầu hết do dân sự quản lý. Trên thế giới, cũng chưa quốc gia nào tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật, nhiều nước đang từng bước gộp các luật có mối liên hệ lại với nhau để quản lý được thống nhất và hiệu quả hơn.
Trước diễn biến phức tạp của các vụ tai nạn giao thông, nhiều chuyên gia nhận xét, giải pháp xây dựng các quy định nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông là cần thiết, tuy nhiên, cần xem xét lại nội dung của luật để phù hợp thực tiễn, chứ không chỉ đơn thuần tách cơ học từ Luật Giao thông đường bộ. Tiến sĩ Dương Tất Sinh, Học viện Kỹ thuật Quân sự (Ðại học Công nghệ Giao thông vận tải) cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 là tập hợp tổng thể các chế tài có liên quan giao thông đường bộ, quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ, điều khoản thi hành. Qua thời gian phát triển kinh tế-xã hội và để theo kịp sự tiến bộ của khoa học-công nghệ, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần bổ sung và hoàn thiện các nội dung chi tiết còn hạn chế của Luật Giao thông đường bộ 2008 là cần thiết nhưng việc tách thành hai luật riêng là không phù hợp bởi sẽ làm mất tính logic, quan hệ tương hỗ và phá vỡ tính thống nhất giữa các nội dung cấu thành lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()