Băn khoăn những điểm mới
Rối với thay đổi Theo dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia, năm 2015 sẽ chấm thi theo thang điểm 20 nhằm phân hóa trình độ và giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo của từng trường. Tuy nhiên, trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài điểm bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia, còn có điểm theo học bạ phổ thông của thí sinh (đối với các trường có thêm ngành, chuyên ngành tuyển sinh riêng) và điểm ưu tiên theo khu vực tuyển sinh được tính theo thang điểm 10. Vì vậy, với hàng nghìn hồ sơ tuyển sinh của các thí sinh khác nhau, việc có hai thang điểm 10 và 20 (hoặc phải chuyển đổi các thang điểm đồng nhất với nhau) dễ xảy ra rắc rối, nhầm lẫn. Mới đây, trong buổi tọa đàm tại TP Hồ Chí Minh, Bộ GD và ĐT cho biết dự kiến có thể tiếp thu ý kiến tính điểm thi trở lại theo thang điểm 10.
Điều này đang khiến thí sinh rối bời không biết cách tính điểm sẽ ra sao, trong khi kỳ thi, tuyển sinh đang đến gần.
Một điểm đáng chú ý nữa về sự thay đổi “chóng mặt” của Bộ GD và ĐT là thời điểm tổ chức thi. Theo Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT ngày 9-9-2014 của Bộ GD và ĐT chính thức quy định kỳ thi THPT quốc gia tổ chức vào trung tuần tháng sáu hằng năm.
Riêng năm 2015 sẽ tổ chức thi vào ngày 9, 10, 11 và 12-6.
Quyết định ban hành được một thời gian ngắn, khi kỳ thi chưa diễn ra thì đến cuối tháng 12-2014, trong dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD và ĐT lại thay đổi và dự kiến tổ chức thi vào các ngày 1, 2, 3 và 4-7 năm 2015. Ngoài ra, những năm trước đây, thời điểm tháng 3 và tháng 4, thí sinh sẽ đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Năm 2015, Bộ GD và ĐT dự kiến vào thời gian như trên (trước ngày 1-4), thí sinh chỉ đăng ký thi THPT quốc gia và xác định có dùng kết quả xét tuyển ĐH, CĐ hay không. Việc đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ được lùi lại sau khi có điểm thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, các quy định chính thức, cụ thể trong việc thay đổi đăng ký thi và đăng ký tuyển sinh đến nay vẫn chưa được ban hành.
Trong khi đó, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến thời điểm bắt đầu đăng ký thi cho nên thí sinh “rối như tơ vò”.
Tăng lượng hồ sơ ảo?
Một điểm mới khác trong dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ cũng quy định mỗi thí sinh đăng ký sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh dùng bốn giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển tối đa bốn đợt. Ở mỗi đợt xét tuyển, thí sinh sử dụng một giấy để đăng ký vào tối đa bốn ngành của một trường. Trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Như vậy, thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ được đăng ký tối đa tới 16 nguyện vọng và có thể thay đổi nguyện vọng trong khung thời gian tổ chức xét tuyển.
Theo Bộ GD và ĐT, việc có tới 16 nguyện vọng sẽ tạo cơ hội tối đa cho thí sinh trong xét tuyển. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục vẫn lo lắng vì việc quá nhiều nguyện vọng sẽ làm khó chính thí sinh do tâm lý người dự tuyển không tập trung, dễ dẫn đến tình trạng “đứng núi này, trông núi nọ” mà lựa chọn không được chính xác. Mặt khác, tình trạng hồ sơ ảo của các trường, nhất là các trường “tốp trung” hoặc “tốp dưới” sẽ tăng lên so với trước đây, gây tốn kém không cần thiết.
Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long Phan Huy Phú cho rằng, mỗi thí sinh có bốn giấy báo điểm và mỗi giấy báo có thể đăng ký vào bốn ngành của một trường là tạo cơ hội tốt cho thí sinh nhưng các trường thì mệt mỏi hơn, phức tạp hơn so với trước đây chỉ có một ngành trong một trường đối với mỗi lần xét tuyển. Giám đốc ĐH Thái Nguyên, GS, TS Đặng Kim Vui nhìn nhận, 16 nguyện vọng và được rút hồ sơ trong thời gian xét tuyển là tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong quá trình lựa chọn ngành nghề của mình để học tập.
Đối với các trường có điểm xét tuyển cao sẽ không phải lo lắng chuyện thí sinh ảo nhiều.
Khi đăng ký tuyển sinh năm 2015, thí sinh đã biết trước điểm của mình mới chọn ngành nghề cho nên những học sinh điểm thấp tất nhiên sẽ không đăng ký xét tuyển vào trường “tốp trên”. Tuy nhiên, những trường “tốp trung” và “tốp dưới” lượng hồ sơ ảo sẽ rất nhiều, dẫn đến khó tuyển sinh. Vì tình trạng thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhưng khi có giấy báo trúng tuyển lại không đến nhập học xảy ra khá phổ biến. Các trường sẽ khó định lượng được số thí sinh chắc chắn nhập học để gửi giấy báo trúng tuyển cho khớp với chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu tuyển được quá ít so với chỉ tiêu thì sẽ khó khăn cho trường trong quá trình tồn tại; nếu tuyển vượt lại bị xử phạt.
Với những nỗ lực của ngành GD và ĐT, công tác tuyển sinh năm 2015 sẽ có những đổi mới mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh năm nay cũng được dự báo sẽ có không ít vấn đề phải rút kinh nghiệm vì có những bất cập có thể chưa lường trước được. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần tính toán kỹ lưỡng, sớm ban hành quy chế, tránh sự thay đổi quá nhiều, gây hoang mang cho thí sinh và những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh có thể ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh và các trường ĐH, CĐ.
Ý kiến ()