Băn khoăn đề thi và trách nhiệm tổ chức cụm thi
Ðề thi ra theo hướng phân hóa trình độ thí sinh
Mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ tin cậy để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo Bộ GD và ÐT, đề thi phải bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh và phải đạt được hai mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ). Vì vậy, đề thi vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hóa thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh ÐH, CÐ). Ðề thi sẽ đánh giá được thí sinh ở cả bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Ðề thi theo hướng mở đã được thực hiện ở một số năm gần đây. Hiện nay, trong giáo dục, cách tiếp cận về quan điểm giáo dục toàn diện có thay đổi, trên cơ sở bảo đảm đạt chuẩn tối thiểu học vấn phổ thông, phải tạo được cho học sinh môi trường học tập thuận lợi để phát huy năng lực sở trường riêng của cá nhân theo định hướng nghề nghiệp và học lên. Các trường THPT đã và đang đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống. Ðề thi, nhất là đề thi các môn khoa học xã hội và nhân văn đã được ra đề theo hướng mở để tạo điều kiện cho học sinh huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài, khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng một cách máy móc.
Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa, đề thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2014 nhưng sẽ tăng ở mức độ vừa phải các câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở theo định hướng đánh giá năng lực của thí sinh. Như vậy, đề thi sẽ gần với đề thi tuyển sinh ÐH, CÐ những năm 2014 trở về trước nhiều hơn. Theo một số chuyên gia giáo dục, với mục tiêu tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ không chỉ đơn thuần nắm được kiến thức cơ bản mà phải thông hiểu, vận dụng. Ðiều đó đòi hỏi, khâu ra đề của Bộ GD và ÐT cần phải kỹ lưỡng, tạo cơ hội rõ ràng cho thí sinh với hai mục đích là tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bộ GD và ÐT cần quan tâm chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy và học ở các trường phổ thông, tránh tình trạng thầy đọc, trò chép vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi. Các trường và các thầy giáo, cô giáo trong quá trình giảng dạy cần hướng đổi mới, tăng cường cho học sinh kỹ năng xử lý kiến thức chứ không chỉ học thuộc lòng để có thể hoàn thành tốt bài thi.
Tăng trách nhiệm trường ÐH
Một điều mới của kỳ thi THPT Quốc gia thu hút sự chú ý của dư luận xã hội thời gian qua là việc tổ chức cụm thi do trường ÐH chủ trì và cụm thi do địa phương chủ trì. Theo Bộ GD và ÐT, các quy định cụ thể trong việc tổ chức cụm thi sẽ được thể hiện trong quy chế thi ban hành trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Ðối với các trường ÐH có đủ năng lực, điều kiện, uy tín và kinh nghiệm tổ chức thi sẽ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ sở giáo dục ÐH tại tỉnh, thành phố và sở GD và ÐT tổ chức coi thi, chấm thi và gửi kết quả chấm thi về Bộ GD và ÐT. Bên cạnh đó, ngoài việc sử dụng kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, các trường ÐH, CÐ tùy thuộc các ngành đặc thù của trường mình có thể có thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác. Các trường thuộc Khối văn hóa nghệ thuật sẽ tổ chức thi năng khiếu (việc này đã được thực hiện trong các năm gần đây) theo phương thức được quy định rõ trong Ðề án tuyển sinh riêng của trường. Như vậy, vai trò của các trường ÐH, CÐ trong Kỳ thi THPT quốc gia là rất lớn. Các trường ÐH được giao chủ trì cụm thi sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chính về sự nghiêm túc, công bằng, khách quan của kỳ thi để kết quả thi đạt độ tin cậy cho các trường ÐH, CÐ trong hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp yên tâm sử dụng trong công tác tuyển sinh.
Ðối với các sở GD và ÐT, bên cạnh việc phối hợp với trường ÐH tổ chức coi thi, chấm thi chung còn chịu trách nhiệm tổ chức cho học sinh đăng ký dự thi, chuyển dữ liệu đăng ký dự thi về Bộ GD và ÐT, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh của địa phương. Bên cạnh đó, chủ trì cụm thi dành cho thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để tham gia tuyển sinh vào các trường ÐH, CÐ tại các địa phương không có cụm thi do trường ÐH chủ trì. UBND tỉnh, thành phố sẽ thực hiện việc chỉ đạo sở GD và ÐT và các ngành của địa phương phối hợp các trường ÐH, chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an toàn cho các hội đồng coi thi, chấm thi theo cụm trên địa bàn; tổ chức nghiêm túc kỳ thi đối với các thí sinh thi tại cụm thi địa phương, sao cho kết quả có độ tin cậy, khách quan, không để xảy ra những bất thường, mâu thuẫn với kết quả thi của các thí sinh thi tại cụm thi do các trường ÐH chủ trì.
Mặc dù, mỗi cơ sở đào tạo, địa phương đều gắn với trách nhiệm trong quá trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề tổ chức thi sẽ gây ra sự xáo trộn không cần thiết và mức độ tin tưởng vào kết quả các cụm thi sẽ khác nhau. Nhất là việc các trường ÐH, CÐ nhiều lần tỏ rõ sự thiếu tin tưởng kết quả thi ở địa phương; trong khi các địa phương thì lo ngại việc “rồng” rắn lên các cụm thi ÐH, dù sao cũng ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, tác động đến kết quả thi. Vì vậy, việc cụ thể hóa các bước triển khai thực hiện kỳ thi THPT quốc gia thông qua quy chế thi cần được Bộ GD và ÐT sớm ban hành. Nếu theo dự kiến, tháng 3-2015 thí sinh mới đăng ký dự thi thì mới có quy chế thi sẽ gây nhiều băn khoăn, lo lắng đối với thí sinh và cả các trường ÐH, CÐ cũng như các địa phương khi thực hiện nhiệm vụ của mình trong quá trình tổ chức thi.
Ý kiến ()