Bản hùng ca trên biển
Ðến Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), quần đảo - vùng trời - vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc lần này cho tôi một cảm xúc vô cùng đặc biệt. Tôi như được "sờ", được "chạm" vào bản hùng ca bất tử của những người lính hải quân nguyện hy sinh thân mình, mãi mãi nằm dưới lòng biển sâu trong cuộc chiến không cân sức bảo vệ chủ quyền biển đảo; những anh lính nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ giữa muôn trùng sóng gió; hay ở nơi ấy, hình ảnh làng quê Việt Nam vẫn hiện lên tươi mới giữa muôn trùng cánh sóng.
Ðến Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), quần đảo – vùng trời – vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc lần này cho tôi một cảm xúc vô cùng đặc biệt. Tôi như được “sờ”, được “chạm” vào bản hùng ca bất tử của những người lính hải quân nguyện hy sinh thân mình, mãi mãi nằm dưới lòng biển sâu trong cuộc chiến không cân sức bảo vệ chủ quyền biển đảo; những anh lính nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ giữa muôn trùng sóng gió; hay ở nơi ấy, hình ảnh làng quê Việt Nam vẫn hiện lên tươi mới giữa muôn trùng cánh sóng.
Cuộc gặp gỡ giữa biển…
Tàu Hải quân mang số hiệu HQ 561 thuộc quân chủng Hải quân vùng 4 trên đường đến vùng biển đảo lịch sử Len Ðao – Gạc Ma – Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào một buổi sáng đẹp trời. Không ai nói với ai lời nào, mọi người đều ăn mặc tề chỉnh và lên boong tàu từ sáng sớm để dự buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (AHLS) hy sinh trong sự kiện CQ 1988 ở Gạc Ma. Có một vị khách đặc biệt làm tôi chú ý ngay từ khi vừa bước lên boong tàu: nữ thượng úy Trần Thị Thu Hà công tác ở Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Hà Nam. Tờ mờ sáng, chị Hà đã tề chỉnh quân trang, từ vùng biển Cô Lin, chị cứ dõi mắt trông về phía đảo Gạc Ma với đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Tôi tiến đến bên chị, khẽ khàng hỏi chuyện. Chị Hà bảo, lần đầu được đến Trường Sa, nhưng sao biển này, đảo này, đâu đâu cũng có những hình ảnh thân quen. Rồi chị thổ lộ tiếp: “Ðó là vì mình có quá nhiều ký ức về cha. Cha đã sống, chiến đấu và hy sinh vì vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc…”. Chị sụt sùi, nấc nghẹn khi kể về cha, người chiến sĩ Hải quân Việt Nam Anh hùng. Những ký ức của 25 năm trước ùa về.
Trên chuyến tàu ra thăm và làm việc với quân và dân huyện đảo Trường Sa của đoàn công tác số 4 chỉ có chị Hà là thân nhân của liệt sĩ đảo Gạc Ma. Chị Hà sinh năm 1971, cha chị – Trung tá, AHLS Trần Ðức Thông, Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân, hy sinh năm 1988. Năm đó, chị Hà 17 tuổi, nhưng mãi đến 25 năm sau chị mới được đến thăm Trường Sa. Chị Hà nói, 25 năm không phải quá dài, nhưng cũng không phải là ngắn. Nhất là đối với chị, niềm mong ước được đến Trường Sa, được tận mắt chứng kiến nơi người cha thân yêu đã anh dũng chiến đấu và mãi mãi nằm lại dưới lòng biển sâu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cứ lớn thêm và dài theo năm tháng. “Bởi vậy, được đến Trường Sa, mình lại có cùng lúc hai “suất”. Một suất là do Bộ Tư lệnh Hải quân dành cho thân nhân liệt sĩ đảo Gạc Ma, còn một suất mình đi theo đoàn công tác của Công an tỉnh Hà Nam. Cho nên, trong danh sách đoàn công tác số 4 ra thăm Trường Sa lần này có hai người cùng tên Trần Thị Thu Hà”, chị Hà cho biết thêm.
Chị Hà tiếp tục đưa tôi ngược dòng ký ức 25 năm về trước. Trong lòng chị, bố là một người lính đảo anh hùng, dành trọn cả cuộc đời cho đất nước. Còn mẹ là một người vợ thủy chung, dành trọn cả cuộc đời và tình yêu cho bố, để ông yên tâm làm việc ở đảo xa. Lấy nhau năm 1971 khi đất nước còn bị chia cắt bởi chiến tranh, anh bộ đội Cụ Hồ Trần Ðức Thông đi miết ở chiến trường. Sau khi hòa bình, đất nước được giải phóng, người lính ấy lại đi công tác biền biệt ngoài hải đảo. Thời gian vợ chồng, con cái sum họp với nhau chỉ là những ngày về phép. “Tối 20-3-1988, ngồi vào bàn học bài nhưng không sao học được, lòng cứ bồn chồn nên mình viết thư cho bố. Không ngờ, sáu ngày sau (26-3-1988), Ðài Tiếng nói Việt Nam đưa tin trận chiến ở Gạc Ma, bố Thông và nhiều đồng đội của bố đã hy sinh vào ngày 14-3-1988 rồi. Lá thư của mình gửi muộn nên bố có nhận được đâu. Lần này ra Trường Sa, mình mang theo lá thư của 25 năm về trước để “gửi” vào lòng biển, thế nào bố cũng nhận được”, giọng chị Hà nấc nghẹn.
Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi tiếng còi tàu vang vọng báo hiệu đến giờ làm nghi lễ tưởng niệm các AHLS Gạc Ma. Chiếc tàu hải quân HQ561 kéo còi trên vùng biển lịch sử, như đánh thức các AHLS Gạc Ma đang yên giấc dưới đáy biển sâu. Trên boong tàu lúc này đã được bày biện vòng hoa, hương án và nhiều trà, quả, bánh để tế cúng vong linh 64 AHLS hy sinh trong sự kiện bảo vệ chủ quyền (gọi tắt là CQ) ngày 14-3-1988. Ngoài ra, chị Hà còn đích thân chuẩn bị riêng một thuyền hoa đăng có hình chữ vạn để gửi cho cha. Thủ trưởng đoàn công tác số 4, Phó Tham mưu trưởng vùng 4 Hải quân, Ðại tá Nguyễn Ðức Nho đọc văn tế các AHLS Gạc Ma. Lần lượt từng người trong đoàn công tác tiến hành nghi thức thắp hương cho các AHLS. Ðến lượt chị Hà tiến lên trước hương án. Quân trang tề chỉnh, Hà đưa tay lên trán nghiêm chào. Trong giây phút ấy, chị không thể nén được cảm xúc, chị hét to mà nước mắt lăn dài: “Bố Thông ơi, con được ra thăm bố rồi đây!”. Tất cả các thành viên trên con tàu HQ 561 cũng xốn xang bởi cuộc “trùng phùng” của bố con chị Hà. Cuộc gặp gỡ này chỉ có nước mắt và những cánh hoa đăng thả xuống lòng biển Gạc Ma.
Những người lính nhà giàn DK1 anh hùng
Con tàu HQ 561 tiếp tục lao đi trong đêm mưa gió đưa đoàn công tác đến thăm các nhà giàn trong Cụm Kinh tế – khoa học – dịch vụ trên thềm lục địa phía nam (Nhà giàn DK1). Những anh lính hải quân là thủy thủ trên tàu nói, dường như đã trở thành quy luật, cứ mỗi lần có tàu đến thăm nhà giàn là có sóng to, gió lớn. Quả thật, chuyến đi của đoàn công tác số 4 của Công đoàn viên chức Việt Nam có mười ngày trên biển để thăm và làm việc với quân, dân các đảo trong huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa thì đã có bảy ngày trời yên, biển lặng. Vậy mà, khi đoàn công tác lên đường đến các nhà giàn thì trời nổi mưa giông. Thế nhưng, một thủy thủ khác có nhiều kinh nghiệm cho rằng, ở các nhà giàn quanh năm đều đối mặt với sóng gió vây quanh. Bởi vậy, ba đoàn công tác trước đều không có bất kỳ một ai lên được nhà giàn. Lần này, khi tàu neo lại gần nhà giàn DK1/8 để tổ chức đưa đoàn công tác lên thăm các chiến sĩ nhà giàn, biển động dữ dội.
Sau khi làm Lễ tưởng niệm các AHLS đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thì sóng biển càng lúc càng trở nên hung tợn. Lúc đầu, thủ trưởng đoàn công tác dự kiến sẽ tổ chức đưa nhiều người lên thăm nhà giàn. Nhưng thời tiết thất thường và khắc nghiệt nên kế hoạch đã phải thay đổi. Chỉ có bảy người gồm: Ðại tá Nguyễn Ðức Nho, Thủ trưởng đoàn công tác; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn viên chức Việt Nam, ca sĩ trẻ Ngọc Hậu của Nhà hát Tuổi Trẻ và bốn người khác được lên thăm nhà giàn DK1/8. Mặc dù chỉ có bảy người nhưng phải sử dụng đến ba tàu cao tốc để đi, mỗi tàu chỉ chở được từ hai đến ba người. Những người còn lại đều tập trung lên boong tàu, lo lắng nhìn theo. “Tình huống căng thẳng nhất là khi đã tiếp cận được nhà giàn nhưng không cách nào lên được. Cứ mỗi lần sóng biển ập đến là chiếc tàu cao tốc bị đẩy lên cao hơn 2m, rồi lại mất hút, một lúc sau mới lại trồi lên. Không còn cách nào khác, anh em chiến sĩ trên nhà giàn DK1/8 phải thả dây xuống tàu để cho từng người cột vào người rồi kéo lên. Hành động này phải thật sự chuẩn xác và nhịp nhàng mỗi đợt sóng đánh ập tới, nếu không thì phải trả giá bằng chính mạng sống con người”, Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng nói.
Tàu HQ 561 tiếp tục hành trình đến nhà giàn DK1/19 trong buổi chiều cùng ngày. Thế nhưng, sóng mỗi lúc một to, gió giật càng mạnh hơn cho nên kế hoạch đưa đoàn công tác lên nhà giàn DK1/19 bị hủy bỏ. Từng con sóng khổng lồ, tung ngọn cao lừng lững như muốn nhấn chìm nhà giàn DK1/19. Sóng to, gió lớn họ vẫn chắc tay súng, bám trụ nhà giàn. Từng người lính vẫn giữ vững vị trí, hiên ngang đối mặt với bão giông, sừng sững như một tượng đài của “trái tim Việt Nam anh hùng, bất khuất” giữa Biển Ðông. Cả đoàn tập trung lên boong tàu giao lưu với các chiến sĩ nhà giàn qua máy bộ đàm. Ở khoảng cách xa, tôi chỉ nhìn thấy những cánh tay của các anh liên tục vẫy. Thấy các anh em lính nhà giàn DK1/19 bịn rịn quá, Ðại tá Nguyễn Ðức Nho, Thủ trưởng đoàn công tác số 4 yêu cầu hạ tàu cao tốc để đưa đoàn lên nhà giàn. Nhưng dẫu cố gắng hết sức, tàu vẫn không thể hạ được. Sóng gió quá hung tợn, hiểm nguy luôn rình rập nên không ai lên được nhà giàn này. Qua máy bộ đàm, cô ca sĩ trẻ Ngọc Hậu của Nhà hát Tuổi Trẻ đã hát rất nhiều những bài hát về lính đảo dành tặng cho các chiến sĩ nhà giàn, cô ca sĩ trẻ đã hát bằng tất cả tình cảm chan chứa tận trái tim, một trái tim trong hàng triệu trái tim ở đất liền hướng về vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuộc sống mới nơi đảo xa
Sáng sớm, tàu HQ 561 đã cập cảng thị trấn Trường Sa (lớn), quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cả đoàn tranh thủ lên đảo để kịp buổi chào cờ. Xen lẫn trong mầu áo trắng, xanh của các chiến sĩ hải quân, không quân ở Trường Sa là một cô giáo trong chiếc áo dài truyền thống thướt tha của người phụ nữ Việt Nam đang dắt theo đàn trẻ nhỏ trong bộ đồng phục tiểu học, giống như mầu áo của chiến sĩ hải quân Việt Nam. Cô giáo Bùi Thị Nhung, 28 tuổi, là giáo viên chính quy duy nhất ở Trường Sa. Vừa là cô giáo, vừa là “mẹ” của lũ trẻ ở giữa trùng khơi này nên cô Nhung luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình. Cô bảo, hạnh phúc nhất là mỗi buổi sáng lên lớp được nghe các cháu bi bô tập đánh vần. Ở làng này, thầy cô giáo gắn bó với học trò, người dân gắn bó với lính đảo như máu với thịt, không thể tách rời. Ở các ngôi làng thuộc quần đảo Trường Sa như Sinh Tồn, Trường Sa (lớn) đều trồng được những loài cây xanh mang ra từ đất liền, nuôi được cả gà, vịt, chó, mèo, bò, lợn… Những vật nuôi quen thuộc của làng quê Việt Nam vốn thích hợp ở đất liền, khi ra đến đảo chúng vẫn phát triển tốt, sinh sôi nảy nở và trở nên hết sức dạn dĩ, thân thiện. Cây xanh, cây ăn trái ở đảo thì có rất nhiều loài như: mù u, bàng, dừa, tre và đu đủ…
Con đường dẫn từ cầu cảng lên trung tâm xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa rợp bóng cây. Mấy anh lính hải quân bảo, phong ba là loài cây “bản địa” ở quần đảo Trường Sa. Từ khi có đảo đã có cây phong ba, mà đảo nổi nào cũng có. Ở Song Tử Tây có cả rừng cây phong ba hàng trăm năm tuổi, da mốc xù xì. Ở những nơi tôi đến đều thấy cây phong ba đứng thẳng hàng, hướng ra biển, sẵn sàng đối mặt với mưa giông, bão tố. Vừa đến trung tâm xã đảo Song Tử Tây đã thấy những đứa trẻ trong làng đạp xe dạo chơi dưới con đường rợp bóng cây phong ba. Thấy khách từ đất liền, hai cô bé lễ phép cúi chào. Ngô Thị Trà Giang, 10 tuổi nhưng đã có năm năm biết đến cái nắng, cái gió của Trường Sa. Còn cô bé Nguyễn Thị Ðoan Thùy, 9 tuổi cũng đã có đến bốn mùa mưa nắng ở đảo này. Trà Giang học lớp 4, còn Ðoan Thùy học lớp 3 ở Trường tiểu học Song Tử Tây. Tất cả các bé ở đây đều được đến trường, chăm ngoan, học giỏi. Thấy tôi đi dạo ngang qua làng Song Tử Tây, chị Huỳnh Thị Vân, một người dân làng liền mời vào nhà dùng chén nước. Chị Vân tâm sự: “Ở đây, quân với dân gắn bó với nhau mật thiết lắm. Gia đình nào cũng được tạo điều kiện tốt nhất để có thể cải thiện bữa ăn và nâng cao đời sống”.
Tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều có chùa, nhà văn hóa, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh cho quân, dân trên đảo. Chùa Song Tử Tây nằm dưới rừng cây phong ba cổ thụ, mặt hướng ra biển. Ngôi chùa có mái cong, mang đậm nét phong cách kiến trúc của ngôi chùa Việt ở miền bắc. Tại chính điện chùa có một pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng ngọc xá lợi do Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm chính thức Mi-an-ma và được Thủ tướng tặng lại cho chùa Song Tử Tây. Mỗi ngôi chùa ở Trường Sa đều có một nét đẹp và đặc trưng riêng, thiết kế hài hòa với không gian và diện tích theo từng đảo. Một thành viên trong đoàn công tác, Ðại đức Thích Nguyên Thanh, trụ trì chùa Hang ở tỉnh Thái Nguyên, cho biết, những ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa sẽ được ghi dấu vào quyển sách 120 ngôi chùa Việt của Nhà xuất bản Thế Giới. Ðó cũng là mục đích chuyến đi của ông đến Trường Sa sau khi thăm và làm việc với quân, dân huyện đảo. Ngoài ra, trên đảo Trường Sa (lớn) còn có nhà tưởng niệm Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Ngay trên nóc hội trường còn có một lá cờ Tổ quốc với nền đỏ, sao vàng bằng gốm rộng đến 310 m2. Ðây là tác phẩm nghệ thuật từ ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng tại Hà Nội, Công dân ưu tú của Thủ đô. Trung tâm bức tranh là bản đồ Việt Nam với ngôi sao vàng ở vị trí Thủ đô Hà Nội tỏa ánh hào quang ra bốn phương trời đất nước. Hình ảnh mang tính biểu trưng với hình rồng thời Lý cùng Khuê Văn Các, Chùa Một Cột của Hà Nội, chùa Thiên Mụ của Huế, Tháp Chàm Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng và tượng đài Bác Hồ phía tiền cảnh diễn tả lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam. Tất cả nhằm khẳng định quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa là chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.
Theo nhandan
Ý kiến ()