Ban hành tài liệu truyền thông về sức khỏe tâm thần của học sinh phổ thông
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định phê duyệt tài liệu truyền thông về sức khỏe tâm thần của học sinh phổ thông nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về sự phát triển thể chất, tâm lý của học sinh, về một số vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến của các em và một số biện pháp để nâng cao sức khoẻ tâm thần cho các em.
Sức khỏe tâm thần (SKTT) của học sinh đang là vấn đề được quan tâm trong những năm gần đây. Các vấn đề SKTT như lo âu, trầm cảm… không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh mà còn có tác động tiêu cực đến kết quả học tập và cuộc sống của bản thân các em và gia đình. Giúp học sinh có SKTT khỏe mạnh để các em có thể học tập hiệu quả là một trong những trách nhiệm của cha mẹ học sinh, giáo viên và nhà trường.
Được sự hỗ trợ của UNICEF Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn cuốn Tài liệu truyền thông về SKTT của học sinh phổ thông nhằm cung cấp kiến thức cơ bản cho nhân viên y tế trường học, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, và cha mẹ học sinh về sự phát triển thể chất, tâm lý của học sinh, về một số vấn đề SKTT phổ biến của các em, và một số biện pháp để nâng cao SKTT cho các em.
Vì sao trường học cần quan tâm đến SKTT của học sinh?
Trường học có chức năng và cơ hội để nâng cao SKTT của học sinh bởi các lý do sau:
Nâng cao thành tích học tập của học sinh. Các nghiên cứu cho thấy rằng SKTT của học sinh có liên quan tới thành tích học tập và các nỗ lực của học sinh (gắn kết với trường học, động cơ học tập…). Hơn nữa, chương trình học tập tại trường học chú trọng vào sự phát triển tâm trí và cảm xúc xã hội giúp học sinh cải thiện thái độ và thành tích học tập.
Các vấn đề SKTT đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới. Trong hơn một thập kỷ qua, các vấn đề SKTT đã tăng thêm 13%. Khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới có các vấn đề SKTT và tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong nhóm dân số 15-29 tuổi. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, các vấn đề liên quan đến SKTT cũng gia tăng nhanh chóng, trong đó có nhóm tuổi học sinh. Mặc dù vậy, các vấn đề SKTT của nhóm tuổi này chưa được chú trọng nhiều.
Phát triển các kỹ năng xã hội. Các mối quan hệ bạn bè tích cực, các kỹ năng sống học được tại trường học giúp học sinh nâng cao động cơ và thành tích học tập.
Dễ tiếp cận học sinh. Trường học gắn với thời kỳ phát triển quan trọng nhất của con người. Do vậy, trường học là nơi lý tưởng để triển khai các biện pháp can thiệp nâng cao SKTT cho học sinh.
Tăng cường các yếu tố bảo vệ học sinh tại trường học giúp làm giảm các nguy cơ và hậu quả đối với các trẻ em dễ bị tổn thương. Trường học là môi trường thân thiện và ít kỳ thị hơn đối với học sinh cần được hỗ trợ so với bệnh viện và các cơ sở y tế. Các hành vi sức khỏe tích cực (ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất…) học được từ nhà trường giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của học sinh sau này. Các mối quan hệ thầy trò và bạn bè được hình thành từ trường học là yếu tố bảo vệ và hỗ trợ đối với học sinh.
Áp dụng được một số biện pháp hỗ trợ học sinh có biểu hiện bất thường về SKTT
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu của tài liệu là giúp cán bộ y tế trường học, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh: Hiểu về tầm quan trọng của SKTT trong trường học; Biết được các giai đoạn phát triển của trẻ em; Biết các biện pháp nâng cao SKTT tích cực cho học sinh trong trường học; Nhận diện được các dấu hiệu bất thường về SKTT của học sinh;
Đồng thời áp dụng được một số biện pháp hỗ trợ học sinh có biểu hiện bất thường về sức khỏe tâm thần. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến SKTT trong trường học.
Cuốn tài liệu truyền thông bao gồm ba chương:
Chương 1 là các nội dung cơ bản về sự phát triển của trẻ em (từ mầm non đến trung học phổ thông).
Chương 2 tập trung vào các nội dung về nâng cao SKTT cho học sinh, vai trò trách nhiệm của giáo viên, cán bộ y tế trường học cũng như cha mẹ học sinh.
Chương 3 trình bày một số vấn đề SKTT phổ biến của lứa tuổi học sinh để cán bộ y tế trường học, giáo viên và cha mẹ học sinh có thể kịp thời nhận biết và phối hợp hỗ trợ học sinh.
Bạn đọc có thể xem toàn văn nội dung cuốn tài liệu tại đây.
Ý kiến ()