Ban hành quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài. Quy chế này quy định việc tuyển sinh đi học nước ngoài theo các diện học bổng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, bao gồm: Điều kiện dự tuyển, hồ sơ và cách thức xét tuyển, xử lý sau trúng tuyển.
Quy chế này áp dụng đối với việc tuyển sinh đi học trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thực tập sinh ở nước ngoài.
Quy chế này không áp dụng đối với việc tuyển sinh đi đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ngoài theo Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” được phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa. Nguồn: giaoduc.net.vn |
Mục tiêu của việc tuyển sinh đi học nước ngoài nhằm tuyển chọn những ứng viên có đủ điều kiện về đạo đức, học vấn và sức khỏe để cử đi học tập ở nước ngoài, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Các diện học bổng gồm học bổng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo các Đề án, Dự án được Chính phủ phê duyệt; học bổng theo các Hiệp định; Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế; các học bổng khác do Chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ.
Các đối tượng ưu tiên được thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hiện hành. Ngoài ra, ưu tiên cán bộ thuộc các cơ quan, địa phương được ưu tiên về đào tạo nhân lực theo quy định của Chính phủ; giảng viên ĐH, CĐ và nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu; ứng viên có trình độ chuyên môn giỏi, có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học, có trình độ ngoại ngữ đạt yêu cầu của chương trình học bổng; các đối tượng ưu tiên khác theo quy định cụ thể của từng chương trình học bổng.
Ngành học ưu tiên gồm các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, môi trường, khoa học xã hội (luật pháp, hành chính công, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quản trị nhân sự, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công,…), các ngành học đặc thù cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các chương trình, đề án, dự án quốc gia do Chính phủ phê duyệt. Các ngành học Việt Nam chưa có khả năng đào tạo hoặc chất lượng đào tạo tại Việt Nam còn thấp, số lượng cán bộ ngành này ở Việt Nam còn ít. Các ngành học cần thiết đối với việc nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên các trường ĐH, CĐ, viện nghiên cứu. Các ngành học phía nước ngoài ưu tiên cấp học bổng cho Việt Nam.
Thông báo tuyển sinh và kết quả trúng tuyển đi học nước ngoài được đăng tải công khai tại địa chỉ: Quy chế cũng quy định cụ thể điều kiện dự tuyển với từng loại học bổng, từng trình độ; hồ sơ và cách thức xét tuyển; xác nhận trúng tuyển, cấp giấy triệu tập và quyết định đi học nước ngoài; xử lý khiếu nại kết quả tuyển sinh; hủy kết quả trúng tuyển; ứng viên xin rút khỏi danh sách trúng tuyển; bồi dưỡng ngoại ngữ sau trúng tuyển; trách nhiệm của ứng viên và của cơ quan quản lý ứng viên dự tuyển; trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 15/3/2013; thay thế Thông tư số 43/TT của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh đi học đại học ở nước ngoài từ năm học 1991-1992, Quyết định số 335/QĐ-HSSV của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi Thông tư số 43/TT.
Ý kiến ()