Ban hành hướng dẫn cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội với F0
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn sửa đổi, bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm Covid-19 (F0). Quy định chính thức có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.
Người dân chờ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cuối tháng 2/2022 (Ảnh: Thành Đạt). |
Ngày 31/12/2022, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế (sau đây viết tắt là Thông tư số 56/2017/TT-BYT).
Cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm Covid-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
– Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
– Các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được thành lập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó gồm: Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, Bệnh viện điều trị Covid-19, Bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19.
Cụ thể, Thông tư số 18/2022/TT-BYT của Bộ Y tế bổ sung Điều 20a vào Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Theo đó, quy định cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người nhiễm Covid-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đối tượng cấp là người nhiễm Covid-19 điều trị nội trú hoặc ngoại trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây.
Thứ nhất là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Thứ hai là các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được thành lập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó gồm: Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, Bệnh viện điều trị Covid-19, Bệnh viện hồi sức cấp cứu Covid-19, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19.
Thẩm quyền cấp là người đứng đầu các cơ sở quy định ở trên hoặc người được người đứng đầu ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Người bệnh sau khi kết thúc điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Thông tư này.
Trường hợp giấy đã cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực không đúng mẫu theo quy định Thông tư số 56/2017/TT-BYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại theo quy định tại Thông tư này.
Người bệnh sau khi kết thúc điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Trường hợp người lao động đã điều trị Covid-19 nhưng chưa được cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người lao động đã điều trị Covid-19 căn cứ đề nghị của người đó và hồ sơ bệnh án để cấp giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện có ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú hoặc thời gian cách ly, thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian ghi trong giấy ra viện.
Trường hợp người bệnh sau khi ra viện và trong giấy ra viện không ghi thông tin về thời gian tiếp tục điều trị ngoại trú, nhưng người bệnh phải cách ly theo quy định thì thời gian nghỉ việc được xác định theo thời gian cách ly quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 đã giải thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được giao phụ trách quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo quy định tại khoản c mục V Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ trưởng Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng chịu trách nhiệm cấp hoặc cấp lại hoặc cấp mới giấy ra viện, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh.
Việc cấp, sử dụng mẫu giấy ra viện và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Phụ lục 3 và Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư số 18/2022/TT-BYT cũng sửa đổi Điều 21 về hình thức cấp chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và cách ghi nội dung giấy tờ chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội
Một là, đối với trường hợp người lao động hoặc con dưới 7 tuổi của người lao động đã điều trị nội trú: Giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với trường hợp có chuyển viện trong quá trình điều trị thì có thêm bản sao hợp lệ giấy chuyển viện.
Đối với trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì không phải cấp giấy ra viện. Việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho khoảng thời gian người bệnh điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước khi tử vong được căn cứ vào thời gian ghi trên giấy báo tử theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BYT 28/12/2020 của Bộ Y tế quy định về phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong, cấp giấy báo tử và thống kê tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Hai là, đối với trường hợp người lao động hoặc con dưới 7 tuổi của người lao động đang điều trị ngoại trú: giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện, thì cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ số ngày nghỉ ghi tại phần ghi chú của giấy ra viện để làm căn cứ thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Thông tư số 18/2022 của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2023.
Trước đó, vào thời điểm đầu năm 2022 vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong cả nước, nhiều người lao động gặp khó khăn về việc xin giấy xác nhận F0 và hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Việc không xin được giấy xác nhận F0 dẫn tới khi khỏi bệnh, người lao động cũng khó có thể xin được “giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội”.
Trước đó, vào thời điểm đầu năm 2022 vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong cả nước, nhiều người lao động gặp khó khăn về việc xin giấy xác nhận F0 và hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp F0 điều trị tại nhà chỉ có “giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly” mà chưa được cấp “giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội” làm cơ sở hưởng trợ cấp ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, các cơ quan liên quan như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… đã kiến nghị Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT để hướng dẫn hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp ốm đau. Điều này giúp phù hợp tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động.
https://nhandan.vn/ban-hanh-huong-dan-cap-giay-chung-nhan-nghi-viec-huong-bao-hiem-xa-hoi-voi-f0-post733280.html
Ý kiến ()