Nông dân lao đao
Chúng tôi cùng ông Hà Tấn Tùng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Ngân Sơn đến thăm cánh đồng thôn Bản Súng, xã Vân Tùng cấy giống lúa PAC837, thấy bông lúa ngắn, ít hạt, những hạt còn lại thì lép, lửng. Bên cạnh đó, nhiều vạt lúa không thể trổ bông, lụi tàn, là hậu quả của bệnh đạo ôn gây hại. Ông Tùng cho biết: Riêng thôn Bản Súng, diện tích cấy lúa PAC837 bị thiệt hại lên đến khoảng 70%.
Gia đình chị Triệu Thị Sâm ở thôn Bản Chang, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn chia sẻ: “Được khuyến cáo, tôi mua giống lúa PAC837 từ Cửa hàng vật tư nông nghiệp huyện Ngân Sơn (thuộc Công ty cổ phần Vật tư và Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Cạn (VT và KTNN Bắc Cạn) về cấy trên diện tích hai “bung” (2.000 m2), bị nhiễm bệnh đạo ôn. Mặc dù gia đình đã phun thuốc trừ sâu nhiều lần, hầu hết diện tích lúa này vẫn chết lụi, mất trắng”. Gia đình chị Tạ Thị Nga ở thôn Cốc Lải, xã Bằng Vân, vụ mùa này cũng mua giống lúa PAC837 của Cửa hàng vật tư nông nghiệp huyện Ngân Sơn về cấy bốn “bung” ruộng. Cấy xong, chăm sóc tốt, lúa phát triển bình thường, nhưng đến khi chuẩn bị làm đòng thì từng khóm lúa bị vàng úa, chị Nga đã phun thuốc trừ sâu bảy lần mà vẫn không hiệu quả, lúa bị vàng lá rồi chết lan rộng, đến nay hầu hết diện tích lúa không thể trổ bông. Cửa hàng vật tư nông nghiệp huyện Ngân Sơn còn bán cho nông dân trên địa bàn giống lúa KB1 cũng bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng, mất mùa. Chị Nga và chị Sâm đều bức xúc vì mua phải giống kém chất lượng và đang lo lắng gia đình sẽ bị thiếu đói.
Trên cánh đồng thôn Khau Cưởm, xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông, gia đình ông Nông Xuân Hằng đang thu hoạch lúa trên diện tích gần 2.000 m2. Cả thửa ruộng lớn, cung cấp lương thực chủ yếu cho gia đình mà toàn thấy những hạt lép, lửng. Ông Hằng chia sẻ: “Được tuyên truyền về giống KB1 có nhiều ưu việt, vụ mùa này tôi mua giống ở Cửa hàng vật tư nông nghiệp huyện Bạch Thông (thuộc Công ty VT và KTNN Bắc Cạn) về cấy, ban đầu lúa phát triển tốt, nhưng sau đó úa vàng bởi bệnh đạo ôn, tôi phun thuốc trừ sâu mấy lần mà không hiệu quả. Gia đình đành thu hoạch về để nuôi gà, vịt”.
Giám đốc Công ty VT và KTNN Bắc Cạn Đào Xuân Sơn cho biết: Vụ mùa năm 2016, công ty chỉ bán cho nông dân huyện Ngân Sơn 520 kg giống PAC837, giá 115 nghìn đồng/kg (Công ty cổ phần Hạt giống TSC (Hà Nội) nhập khẩu từ Ấn Độ), bán bốn tấn giống KB1 (Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Ninh phân phối), giá 27 nghìn đồng/kg cho nông dân trong tỉnh gieo cấy thất bát trong vụ mùa này.
Theo báo cáo của Sở NN và PTNT Bắc Cạn, vụ mùa năm 2016, Công ty VT và KTNN Bắc Cạn bán hai giống lúa KB1 và PAC837 bị bệnh đạo ôn cho hơn 1.600 hộ nông dân bốn huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn, gồm: Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn và Chợ Mới cấy hơn 257 ha, diện tích bị thiệt hại hơn 70% sản lượng là hơn 100 ha, phần lớn diện tích còn lại bị thiệt hại từ 30 đến 70% sản lượng. Được quảng cáo đây là hai giống lúa chất lượng tốt, Ngân Sơn cấy gần 10% diện tích toàn huyện, nhiều gia đình ở huyện Bạch Thông cấy toàn bộ diện tích lúa KB1, gần như mất trắng, thời gian tới sẽ thiếu đói.
Bồi thường thỏa đáng cho nông dân
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Đỗ Thị Minh Hoa, đối với một giống lúa đang sản xuất thử, hoặc đã sản xuất thử thành công rồi, nhưng khi đưa vào canh tác thì vẫn phải khảo nghiệm trên quy mô hẹp, ít nhất là hai vụ thành công thì mới đưa vào gieo cấy đại trà. Đằng này, đang sản xuất thử mà đã đưa vào cấy đại trà, bị bệnh đạo ôn, gây mất mùa thì các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm với nông dân. Các cơ quan quản lý về nông nghiệp của tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm.
Làm việc với lãnh đạo Sở NN và PTNT Bắc Cạn ngày 11- 10, lãnh đạo Công ty VT và KTNN Bắc Cạn, Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Ninh và Công ty cổ phần Hạt giống TSC đều nhận trách nhiệm bán giống lúa làm nông dân bị thiệt hại, đồng thời cam kết hỗ trợ sản lượng bị thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, lãnh đạo các đơn vị này đề xuất mức hỗ trợ còn thấp, cụ thể là: Diện tích bị thiệt hại dưới 20% thì không hỗ trợ, coi đó là rủi ro, nông dân phải gánh chịu; thiệt hại từ 20 đến 30% sản lượng thì hỗ trợ giống cho nông dân; thiệt hại 30 đến 60% sản lượng thì hỗ trợ nông dân 40% sản lượng bị mất; thiệt hại hơn 70% sản lượng thì hỗ trợ nông dân 60% sản lượng bị mất.
Việc các đơn vị phân phối, bán hai loại giống đang sản xuất thử là KB1 và PAC837 cho nông dân canh tác đại trà, không báo cáo với cơ quan chức năng, gây thiệt hại cho nông dân là vi phạm các quy định về giống hiện nay. Mặt khác, diện tích bị thiệt hại từ 70% sản lượng trở lên, 30% còn lại chủ yếu là hạt lép, lửng, nông dân thu hoạch về chỉ để chăn nuôi vì chất lượng rất thấp. Do đó, các đơn vị phân phối, bán giống gây thiệt hại cho nông dân phải có trách nhiệm hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng để giảm tổn thất cho nông dân.
Những ngày vừa qua, cơ quan chức năng các huyện đã nhiều lần khảo sát, đánh giá, thống kê diện tích, mức độ thiệt hại, mỗi lần lại có một số liệu khác nhau. Vấn đề đặt ra là việc thống kê diện tích bị thiệt hại, mức độ thiệt hại phải chính xác, khách quan để làm cơ sở xác định mức hỗ trợ, bồi thường phù hợp, tránh gây thiệt hại cho các bên liên quan.
Ý kiến ()