Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng: Góp phần đảm bảo chất lượng công trình
(LSO) – Các công trình đầu tư công có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi địa phương. Để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, hoạt động của các ban giám sát đầu tư (GSĐT) của cộng đồng đã phát huy tốt vai trò, hiệu quả hoạt động, góp phần đảm bảo chất lượng các công trình, tránh gây thất thoát, lãng phí tiền của Nhà nước và Nhân dân.
Cuối năm 2018, Ban GSĐT của cộng đồng xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng đã phát hiện đơn vị thi công nhà văn hóa thôn Làng Thượng dùng 2.500 viên gạch không đảm bảo tiêu chuẩn để xây móng. Sau đó, ban kiến nghị với UBND xã đình chỉ thi công, yêu cầu nhà thầu gỡ toàn bộ số gạch đó để thay bằng gạch đủ tiêu chuẩn theo thiết kế. Ông Nông Văn Hiện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã cho biết: Nhờ giám sát thường xuyên của các thành viên Ban GSĐT của cộng đồng, công trình nhà văn hóa thôn Làng Thượng đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019. Nhân dân trong thôn rất phấn khởi khi có nhà văn hóa khang trang, với gần 300 chỗ ngồi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chung của bà con.
Các thành viên Ban GSĐT của cộng đồng phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn giám sát thi công công trình nhà văn hóa khối 5
Hiện Ban GSĐT của cộng đồng phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn đang theo dõi thi công 3 công trình lớn trên địa bàn gồm: xây dựng nhà văn hóa khối 5; cải tạo nhà văn hóa khối 15; chỉnh trang vỉa hè các tuyến phố đi bộ. Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng Ban GSĐT của cộng đồng phường cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, chúng tôi phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho từng thành viên, theo sát các công trình. Qua giám sát, chúng tôi đã kịp thời có mặt để tuyên truyền, vận động Nhân dân và các đơn vị liên quan khắc phục những vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc thi công công trình.
Trên đây chỉ là một số minh chứng về hiệu quả hoạt động của các Ban GSĐT của cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 229 ban GSĐT của cộng đồng. Mỗi ban thường có 5 đến 7 thành viên gồm: đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ cấp xã, các đoàn thể chính trị – xã hội, trưởng khối, thôn ở các khu dân cư nơi có công trình.
Kết quả, từ năm 2015 đến nay, các ban GSĐT của cộng đồng đã giám sát 2.370 cuộc, qua đó, kiến nghị xử lý 375 vụ việc sai phạm, góp phần hạn chế tiêu cực ở cơ sở, củng cố lòng tin của Nhân dân, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Nông Dương Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Để phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các Ban GSĐT của cộng đồng, hằng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức từ 5 đến 7 hội nghị tập huấn cho thành viên các ban. Từ đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng giám sát các công trình đầu tư công trên địa bàn. Hoạt động của các ban GSĐT của cộng đồng đã góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí trong xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn. Những ý kiến, kiến nghị gửi tới các cấp có thẩm quyền đều được xem xét giải quyết, nhiều công trình, dự án đầu tư đã được điều chỉnh kịp thời, phù hợp; củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước…
Để phát huy hiệu quả hoạt động của các ban GSĐT cộng đồng, thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban MTTQ từ huyện đến cơ sở củng cố, kiện toàn các ban GSĐT của cộng đồng. Cùng đó, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ để thành viên các ban này nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các quy trình giám sát đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ý kiến ()