Bàn giải pháp nâng cao chất lượng khai thác, sản xuất cá ngừ theo chuỗi
Ngày 21-7, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội nghị sơ kết đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.
Tham gia có lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, đại diện một số cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); lãnh đạo UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định; các doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi liên kết tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều xây dựng xong mô hình thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Các chuỗi liên kết này đã đi vào hoạt động, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Một số khó khăn, vướng mắc hiện nay là các tàu đóng mới khai thác, dịch vụ phục vụ khai thác cá ngừ bằng vỏ thép và vỏ vật liệu mới chỉ cải tiến bước đầu về hầm bảo quản, chưa đổi mới về công nghệ khai thác, bảo quản. Hoạt động thu thập số liệu nghề cá thương phẩm triển khai không liên tục làm thiếu thông tin có hệ thống về hoạt động khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ. Các nghiên cứu về nâng cao chất lượng cá ngừ bằng nghề câu tay, về tổ chức mô hình dịch vụ hậu cần chậm triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Công nghệ dự báo ngư trường còn lạc hậu, không kịp thời, thiếu kiểm chứng làm ngư dân chưa tin tưởng và sử dụng kết quả dự báo trong khai thác. Chính sách tín dụng ngắn hạn theo Nghị định 67 của Chính phủ chưa thật sự được quan tâm đúng mức.
Tại Bình Định, đã triển khai chuỗi liên kết giữa Công ty cổ phần thủy sản Bình Định với năm tàu khai thác cá ngừ đại dương. Theo đó, doanh nghiệp trang bị cho ngư dân thiết bị khai thác, được đào tạo kỹ thuật đưa cá lên tàu, sơ chế, bảo quản và doanh nghiệp sẽ bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Tỉnh Phú Yên cũng đã thành lập chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của Công ty cổ phần Bá Hải. Công ty này liên kết và ký hợp đồng cùng tám tổ, đội sản xuất trên biển với 72 chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở thành phố Tuy Hòa. Tuy nhiên, ngư dân chưa vay được vốn lưu động cho chuyến biển và vay trang bị phương tiện khai thác cá ngừ theo Nghị định 67 nên vẫn còn lệ thuộc vào các chủ nậu, vựa.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, thời gian tới cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các mô hình chuỗi liên kết đã triển khai tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Đối với chuỗi liên kết tại Phú Yên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị, UBND tỉnh làm việc lại với ngân hàng, doanh nghiệp và ngư dân để tháo gỡ vướng mắc về vay vốn lưu động cho chuyến biển và vay trang bị phương tiện khai thác cá ngừ theo Nghị định 67.
Đồng thời yêu cầu Tổng cục Thủy sản tham mưu cho Bộ NN&PTNT để có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề vay vốn lưu động ngắn hạn của ngư dân tham gia chuỗi liên kết tại Phú Yên; Tổng cục Thủy sản phối hợp với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa hỗ trợ các doanh nghiệp, ngư dân về chuyển giao công nghệ mới trong khai thác, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến cá ngừ; hoàn thiện phê duyệt trung tâm nghề cá lớn tại Khánh Hòa và các dự án cảng cá ngừ chuyên dụng tại Bình Định và Phú Yên; Tổng cục Thủy sản hỗ trợ cho các địa phương trong hợp tác quốc tế lĩnh vực khai thác, chế biến, trị trường đối với cá ngừ đại dương; Viện nghiên cứu Hải sản tăng cường nghiên cứu ngư trường để dự báo và phổ biển cho ngư dân.
Chiều cùng ngày, đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ ngư dân Phú Yên vay vốn đóng tàu vỏ thép khai thác xa bờ với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Phú Yên (BIDV Phú Yên). Đây là hợp đồng tín dụng hỗ trợ ngư dân đầu tiên tại tỉnh này để đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Ngư dân Ngô Văn Lanh ở phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu được BIDV Phú Yên ký hợp đồng tín dụng đóng tàu vỏ thép 14,9 tỷ đồng. Trong đó, BIDV hỗ trợ cho vay 14,2 tỷ đồng, thời hạn11 năm; tài sản thế chấp chính là con tàu hình thành từ vốn vay; lãi suất cho vay được hỗ trợ theo đúng hướng dẫn tại Nghị định 67 của Chính phủ. Con tàu sẽ được triển khai đóng trong tháng 8-2015, dự kiến đến tháng 12-2015 sẽ hoàn thiện, bàn giao và đưa vào khai thác, sử dụng.
Đến nay tỉnh Phú Yên đã có 28 hộ gia đình ngư dân được UBND tỉnh cấp quyết định phê duyệt đủ điều kiện vay vốn, chiếm tỷ lệ 10% trên tổng số lượng tàu được phân bổ.
BIDV Phú Yên đã chủ động, tích cực tiếp cận, giới thiệu chương trình và hồ sơ thủ tục vay vốn tới các hộ ngư dân/gia đình đủ điều kiện vay vốn. Hiện BIDV Phú Yên đã ký năm hợp đồng tín dụng, với tổng số tiền cam kết cho vay 35,2 tỷ đồng, đã giải ngân 7,2 tỷ đồng; đồng thời đã cho vay 1,6 tỷ đồng vốn lưu động để bà con ngư dân có thêm nguồn vốn thực hiện hoạt động đánh bắt thủy sản.
Thời gian tới, BIDV Phú Yên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chính sách về tín dụng theo Nghị định 67 đồng bộ, quyết liệt nhằm mục tiêu hỗ trợ tối đa tới các ngư dân, giúp ngư dân nhanh chóng ổn định cuộc sống để vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()