Bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục bán trú vùng đặc biệt khó khăn
LSO-Ngày 16/7/2013, ngành GD&ĐT đã tổ chức hội thảo “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) tỉnh Lạng Sơn”. Dự hội thảo có lãnh đạo Sở GD&ĐT, các phòng GD các huyện và các trường phổ thông DTBT.
Học sinh Trường PT DTBT xã Mẫu Sơn, Lộc Bình trong giờ tự học tại ký túc xá |
Là đề tài khoa học cấp tỉnh, đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trường phổ thông DTBT” được làm sâu sắc bởi các chuyên đề thành phần và cũng là các giải pháp cụ thể như: hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động; công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ quản lý và giáo viên, nhân viên; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với học sinh, CBGV; công tác giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra, hội thảo còn được nghe các tham luận của các phòng GD&ĐT, các trường phổ thông DTBT về các giải pháp của địa phương trong khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà trường. Đến hết tháng 5/2013, trên cơ sở chuyển đổi các trường tiểu học, THCS, toàn tỉnh đã thành lập được 35 trường phổ thông DTBT tại các xã đặc biệt khó khăn gồm cấp tiểu học và THCS, thu hút trên 2000 học sinh vào bán trú, chiếm tỷ lệ gần 40% tổng số học sinh của các trường. Ngay sau khi thành lập, loại hình trường này đã được quan tâm về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất phục vụ bán trú, chế độ chính sách đối với người dạy, người phục vụ và người học. Chất lượng giáo dục toàn diện đã hơn hẳn thời kỳ chưa chuyển đổi. Tuy vậy, loại hình trường phổ thông DTBT cũng đang gặp những khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất phục vụ việc ăn, ở, sinh hoạt và học tập của học sinh; việc quản lý bán trú, cũng như công tác dạy và học, nhất là việc nâng cao chất lượng dạy và bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh. Việc tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng GD các trường phổ thông DTBT vừa có tác dụng đóng góp, hoàn thiện đề tài khoa học cấp tỉnh, vừa là dịp để các phòng GD, các nhà trường học hỏi kinh nghiệm hoạt động đối với mô hình mới này.
Ý kiến ()