Bàn giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về giao dịch điện tử
Môi trường số tạo lập theo quy định của Luật phải phong phú hơn môi trường thực, thời gian nhanh hơn, không phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, an toàn hơn.
Trong 2 ngày 22-23/9, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Quy định của pháp luật về giao dịch điện tử: Thực trạng và kiến nghị sửa đổi.”
Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý tham dự Hội thảo tích cực nghiên cứu, đóng góp, thảo luận, chia sẻ về những nội dung: Đánh giá thực trạng cũng như nguyên nhân của tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực giao dịch điện tử; thảo luận một số nội dung dự kiến quy định trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, sự tương thích với các điều ước quốc tế…
Các vấn đề về thông điệp dữ liệu điện tử; giá trị pháp lý của chữ ký số, chữ ký điện tử, định danh và xác thực điện tử; tính khả thi của dịch vụ tin cậy; về chứng thực dữ liệu, giao kết hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử…
Nhiều đại biểu chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và giữa cơ quan nhà nước với người dân, về an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử cũng như kinh nghiệm pháp luật của Hàn Quốc về hợp đồng điện tử.
Ngoài ra, đại biểu còn trao đổi, thảo luận và góp ý cho những nội dung, quy định cụ thể của Dự thảo Luật.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay, Luật Giao dịch điện tử đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Một số quy định còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, rõ ràng về giá trị pháp lý phần nào gây khó khăn cho việc triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực dịch vụ công; chưa quy định rõ ràng về thông điệp dữ liệu an toàn, chữ ký điện tử an toàn, định danh, xác thực điện tử, dịch vụ tin cậy dẫn đến hạn chế trong xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong giao dịch điện tử.
Quy định về giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử còn thiếu hoặc chưa dẫn chiếu cụ thể; chưa có quy định giá trị pháp lý của đề nghị giao kết hợp đồng dưới hình thức điện tử. Một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật giao dịch điện tử không còn giá trị áp dụng thực tế hoặc không phù hợp với luật liên quan như Luật An ninh mạng…
Do đó, Hội thảo lần này là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ, thảo luận về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế từ đó kiến nghị với Quốc hội giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về giao dịch điện tử, quy định để đảm bảo các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý, thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ giao dịch điện tử, tạo thành tố để chuyển môi trường thực sang môi trường số.
Môi trường số tạo lập theo quy định của Luật phải phong phú hơn môi trường thực, thời gian nhanh hơn, không phát sinh thêm thủ tục hành chính, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, bảo đảm an toàn, tin cậy hơn…
Kết quả của Hội thảo sẽ làm cơ sở để Văn phòng Quốc hội biên tập thành tài liệu tham khảo cung cấp tới các đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội nghiên cứu trong thảo luận, thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 3 năm 2006.
Luật Giao dịch điện tử được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế. Đây được xem như là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử.
Đến nay, sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Giao dịch điện tử cùng với các luật chuyên ngành và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử và hệ thống văn bản hướng dẫn cũng xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ bản bảo đảm sự phân công, phân cấp, phối hợp, thực hiện phát triển và ứng dụng giao dịch điện tử trên phạm vi cả nước./.
Ý kiến ()