Bạn đồng hành của những mảnh đời bất hạnh
LSO-Chúng tôi đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vào dịp trung tuần tháng 3/2018. Tại đây, chúng tôi đã gặp và có dịp trò chuyện với em Hoàng Thị Hòa, nhân viên Phòng Phục hồi chức năng và Dạy nghề.
![]() |
Nhân viên điều dưỡng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm lo bữa ăn cho đối tượng được nuôi dưỡng |
Nhìn dáng người cao ráo, khuôn mặt vui vẻ, tự tin, ít ai nghĩ rằng, 3 năm về trước, em là “đối tượng” được bảo trợ, nuôi dưỡng tại trung tâm. Luôn miệng cười và nói với chúng tôi bằng giọng nhỏ nhẹ, Hòa chia sẻ: “Với mong muốn quay trở lại làm việc tại trung tâm để giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình, sau khi tốt nghiệp phổ thông, em đã theo học ngành điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn. May mắn là sau khi tốt nghiệp, em đã được nhận ngay vào làm việc hợp đồng tại trung tâm. Công việc của em hằng ngày là đến từng phòng đo huyết áp rồi hướng dẫn, giúp đỡ các cụ, các em nhỏ khuyết tật đạp xe, chạy bộ, mát – xa bằng dụng cụ phục hồi”. Cùng hoàn cảnh nên Hòa nắm bắt được tâm lý, quen môi trường và có mối quan hệ gắn bó với các cụ, các em, vì vậy công việc của Hòa nhanh chóng có kết quả.
Khác với Hòa, ông Vy Văn Vọng, cán bộ Phòng Quản lý Giáo dục là một trong những người gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu thành lập. Hơn 24 năm với nhiều vị trí làm việc khác nhau, ông Vọng vẫn lặng thầm gắn bó với công việc mà theo ông, chỉ khi coi các đối tượng ở trung tâm như người thân của mình, chia sẻ yêu thương, tình cảm thì mới thấy công việc nhẹ nhàng hơn và tăng thêm quyết tâm gắn bó với công việc. Do nhà gần trung tâm nên suốt thời gian làm việc, kể cả lúc nghỉ phép hay khi hết giờ làm hoặc bất kể khi nào cần là ông Vọng đều có mặt kịp thời.
Trung tâm hiện nay là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng người già cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi… lớn nhất cả tỉnh với 85 đối tượng. Đều là đối tượng có vấn đề về sức khỏe, có số phận bất hạnh nên đòi hỏi 24/24 giờ phải có người bên cạnh theo dõi, chăm sóc. Bé sơ sinh, trẻ bị khuyết tật, người già, người bị bệnh… đều phải có người lau dọn vệ sinh, lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ, thuốc men…; nhất là những khi trái nắng trở trời thì công việc lại nặng nề hơn gấp bội. Không ít người đến thử việc được vài ngày rồi lặng lẽ rút lui; người kiên trì nhất mà chưa “đủ” yêu thương cũng chỉ được vài tháng. Số đối tượng cần chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều là vậy nhưng cả trung tâm hiện chỉ có 47 cán bộ, nhân viên, trong đó có trên 35 người thực hiện nhiệm vụ chăm sóc trực tiếp các đối tượng. So về con số, có thể thấy, mỗi cán bộ, nhân viên ở đây đang làm việc “hơn gấp đôi”.
Vì tính chất công việc vất vả nên Ban Giám đốc Trung tâm luôn quan tâm, tạo điều kiện làm việc, đặc biệt là động viên, nắm bắt tâm tư, tình cảm cán bộ, nhân viên, người lao động để họ yên tâm gắn bó với công việc. Ví như nhân viên hợp đồng lao động như em Hòa được tạo điều kiện ăn, ở tại phòng làm việc của ca trực; ông Vọng được linh hoạt cho về gia đình khi có việc cần… Cùng với chế độ lương theo quy định, họ được thêm phụ cấp độc hại; từ ngày 1/6/2017 có thêm phụ cấp ưu đãi nghề từ 30% – 70% theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP, ngày 4/7/2011 của Chính phủ. Những ngày lễ, tết, kỷ niệm hay ngày rằm, trung tâm lại được đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo, cán bộ, nhà hảo tâm, từ thiện đến thăm hỏi, tặng quà… Ông Vũ Thái Hùng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: Với sự động viên, chia sẻ đó, các cán bộ, nhân viên, người lao động ở trung tâm ngày càng thêm quyết tâm “bám trụ” với nghề, tiếp tục góp sức mình để đồng hành với nhiều số phận yếu thế, đặc biệt khó khăn trong xã hội.
THANH HÒA
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()