Bản Dao gây chữ
Vinh Tiền là một trong những xã khó khăn nhất cả nước thuộc huyện miền núi Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đa phần đồng bào dân tộc Dao sống chủ yếu dựa vào những nương sắn, những vạt rừng nghèo trượt dài trên tuyến tỉnh lộ gấp khúc theo triền núi. Chưa có đứa trẻ nào của xã Vinh Tiền học lên được đến đại học. Bản Dao xã Vinh Tiền bây giờ đang bắt đầu gây cái chữ nhưng vẫn còn nhiều gieo neo lắm !
Gieo chữ nơi bản nghèo
Từ Việt Trì đi hơn 80 cây số thì đến Tân Sơn. Từ trung tâm huyện Tân Sơn đi them hơn chục cây số nữa thì đến xã Vĩnh Tiền. Ở xã Vinh Tiền này có đến gần 80% đồng bào là người dân tộc Dao. Những người đến đây, thường nói đùa với nhau rằng: “Ở Vinh Tiền, Tân Sơn, người Kinh trở thành dân tộc thiểu số”.
Cuộc sống nơi đây còn rất nhiều khó khăn, người dân vẫn chủ yếu sống dựa vào những nương ngô, nương sắn. Vài thửa ruộng bậc thang bám theo những triền đồi màu mỡ và gần nguồn nước nhất được dành để trồng lúa, cung cấp lương thực hằng ngày.
Ở đây, cái nghèo chưa vượt qua, cái đói nhiều khi vẫn còn ám ảnh. Người Vinh Tiền vẫn phải sống bám lấy rừng. Mùa nào thức nấy, họ vào rừng hái măng, kiếm lá dong, cây tre, cây nứa bán cho người dưới thị trấn, kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Chợ cách trung tâm xã đến hơn chục cây số. Mớ rau, con cá đều đắt hơn ở dưới xuôi. Do đó, lương thực, thực phẩm hằng ngày vẫn chủ yếu là nguồn tự cung, tự cấp.
Dù còn nghèo lắm nhưng đồng bào dân tộc ở Vinh Tiền luôn khát khao cho con cái được đi học, thành người. Lo cho cái ăn, cái mặc ở xã miền núi này đã là quá chật vật, lo cho con cái đến trường thực sự là một gánh nặng của đồng bào. Dù chưa có ai được học lên cao nhưng bây giờ, ở đây, mọi thứ đã đổi thay quá nhiều, tất cả trẻ con ở Vinh Tiền bây giờ đều đã biết đọc, biết viết.
Trường Tiểu học và THCS xã Vinh Tiền có tất cả 130 học sinh bậc tiểu học và THCS và 104 em lớp mầm non. Cả trường có năm điểm trường mẫu giáo và ba điểm trường tiểu học, trung học cơ sở. Điểm xa nhất cách trường hơn tám cây số. Mỗi lớp chỉ có trung bình tám, chín em.
Con đường đất dẫn vào trường lầy lội. Mùa đông, những đứa trẻ đa phần người Dao này vẫn chân đất, chân dép, áo phong phanh, chúng mang theo củ khoai, củ sắn đến trường.
Ông Hà Quang Sỹ, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Vinh Tiền tâm sự: “Cuộc sống và điều kiện học hành của các em ở đây vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Ngày trước còn phải học trong những căn nhà tranh tre. Ngôi trường hai tầng mới xây nhưng vẫn còn nhiều thiếu thốn. Các thầy cô đến đây dạy cũng phải vượt khó rất nhiều”.
Thiếu phòng học, căn bếp dành cho thầy cô và các em mẫu giáo bán trú nấu nướng cũng trở thành lớp mẫu giáo. Căn bếp dựng tạm tranh tre, ốp vài thanh gỗ ở một góc trường. Buổi trưa, xếp gọn bàn ghế, các lớp mầm non cũng thành phòng nghỉ trưa. Bản Dao gây chữ trong nhiều gian nan.
Tám điểm trường có tất cả 33 giáo viên. Có thầy cô là người Phú Thọ, cũng có người từ nơi xa tìm về đây gieo chữ. Chẳng một lời kêu ca, các thầy cô cùng vượt khó với học trò.
Cô Hà Thị Quyên đã đến đây dạy được bốn năm. Là người Mường, cô Quyên không biết tiếng Dao. Những ngày đầu muôn vàn khó khăn chưa thể quên, vất vả ngay cả đến chuyện giao tiếp với học trò. Bây giờ đã quen dần với cuộc sống nơi đây, gắn bó và yêu hơn mảnh đất còn nhiều gian khó này. Cô giáo trẻ Hà Thị Quyên bảo, có lẽ cô sẽ gắn bó cả đời mình với nơi này.
Cõng con đi tìm chữ
Ngày ngày, không quản nắng mưa, ở cái bản nghèo xã Vinh Tiền này, người ta đều thấy một người đàn ông dân tộc Dao nhỏ bé đã luống tuổi cõng một đứa trẻ đến trường. Tan học, ông lại đến cõng con trở về căn nhà lụp xụp trong bản. Đó là ông Bàn Văn Dương và đứa con trai mù của ông, cậu bé Bàn Văn Quý.
Các thầy cô giáo đã gắn bó với Trường Tiểu học Vinh Tiền hàng chục năm nay bảo rằng: Bàn Văn Quý là con nuôi của ông Bàn Văn Dương nhưng ông Dương vẫn khăng khăng, khẳng định chắc nịch, đó là con ruột của ông. Nếu nhìn những cử chỉ yêu thương, chăm sóc mà ông Dương dành cho nó thì quả thật chẳng ai dám phủ nhận điều đó. Cậu bé bây giờ đã 6 tuổi, học lớp 1A, trường Tiểu học xã Vinh Tiền.
Các thầy cô trường Vinh Tiền kể: Cậu bé Quý bất hạnh bị bố mẹ bỏ rơi, mới bảy tháng đã bị mù cả hai mắt, ông Dương mang về nhà nuôi cho đến tận bây giờ, lấy họ của mình đặt tên cho nó. Ông Dương yêu quý nó hơn cả con ruột mình. Ngày ngày, ông Dương cõng con trên lưng, đưa đến trường đi tìm cái chữ. Ông nghèo, ông mong muốn con ông dù chẳng thể nhìn thấy cái chữ nhưng cũng có thể đánh vần theo chúng bạn để không phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Ông mong muốn con ông có thêm bạn. Câu chuyện cảm động về tình cha con của ông Dương ở cái bản nghèo này không ai không biết.
Cậu bé Bàn Văn Quý mù cả hai mắt nhưng vẫn đến lớp đều, chưa bỏ buổi học nào. Không có sách chữ nổi dành riêng cho em nhưng Quý vẫn tập đánh vần và bây giờ còn biết hát nữa. Ông Dương vui lắm.
Ở Vinh Tiền, Tân Sơn này, dù nghèo nhưng người ta luôn khát khao cái chữ. Ông Dương bảo: “Ở đây nghèo lắm nhưng ai cũng mong cho con mình được đến trường”.
Lũ trẻ ở Vinh Tiền cũng chịu nhiều vất vả nhưng chúng rất thông minh. Những đứa trẻ già dặn hơn tuổi của chúng vẫn nửa ngày đến lớp, nửa ngày ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Chữ gieo nơi miền đất khó nhiều vất vả. Bản Dao vẫn không nản, gây chữ, đưa chữ về đến từng nhà.
Ý kiến ()