Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị định 28 của Chính phủ
- Chiều 25/3, tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH), Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 28 ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.
Tham dự có đồng chí Giáp Thị Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định.
Thực hiện Nghị định số 28, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh, tham mưu Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.
Năm 2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh được NHCSXH trung ương giao chỉ tiêu cho vay là 25 tỷ đồng, năm 2023 được giao 27,175 tỷ đồng, nhu cầu năm 2024 và năm 2025 là 65 tỷ đồng. Kết quả, tính đến ngày 18/3/2024, dư nợ là 51,97 tỷ đồng với 1.094 hộ vay, trong đó: cho vay hỗ trợ nhà ở 34,389 tỷ đồng với 861 hộ vay; cho vay hỗ trợ đất ở 100 triệu đồng với 2 hộ vay; cho vay chuyển đổi nghề là 17,481 tỷ đồng với 231 hộ vay. Các đối tượng thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi đã sử dụng vốn hiệu quả, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo hằng năm.
Bên cạnh kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế như: chưa phát sinh cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và trồng dược liệu quý; các huyện chưa rà soát danh sách các hộ sửa chữa, cải tạo nhà theo quy định; số hộ được phê duyệt thụ hưởng chỉ chiếm khoảng 30% tổng số hộ đủ điều kiện thụ hưởng; chưa đồng bộ trong việc lồng ghép các nguồn vốn cho vay; mức cho vay hỗ trợ nhà ở tối đa còn thấp (40 triệu đồng/hộ); chưa có vốn giải ngân năm 2024...
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ một số nội dung như: đánh giá hiệu quả, những tồn tại hạn chế, đề xuất giải pháp bố trí thêm nguồn vốn từ ngân sách tỉnh; tham mưu cấp có thẩm quyền trình Chính phủ nâng mức cho vay hỗ trợ nhà ở lên 60 triệu đồng/hộ; bổ sung thêm đối tượng cận nghèo được thụ hưởng chính sách;…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Trưởng đoàn giám sát đề nghị: UBND tỉnh quan tâm tham mưu Chính phủ mở rộng phạm vi đối tượng vay, ưu tiên bổ sung thêm đối tượng là hộ cận nghèo; xem xét sửa đổi nâng mức cho vay hỗ trợ nhà ở. Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu ban hành hướng dẫn để thống nhất thực hiện trên địa bàn tỉnh; chi nhánh NHCSXH tỉnh kịp thời đăng ký nhu cầu vốn để triển khai hiệu quả chính sách theo Nghị định số 28; tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách tại cơ sở.
Đối với UBND các huyện, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách; chỉ đạo phòng chức năng phối hợp với UBND cấp xã thực hiện rà soát tổng thể đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách, tổng hợp, phê duyệt danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng làm cơ sở để NHCSXH giải ngân vốn kịp thời trong năm 2024. Đồng thời phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành có liên quan thực hiện rà soát, phê duyệt dự án dược liệu quý; danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đủ điều kiện tham gia chuỗi giá trị theo nội dung hỗ trợ cho vay được quy định tại Nghị định 28 của Chính phủ.
Ý kiến ()