Ban công tác mặt trận - cánh tay nối dài của hệ thống MTTQ
LSO-Ban công tác mặt trận ở khu dân cư được ví như cánh tay nối dài của hệ thống MTTQ. Đây là nơi trực tiếp nhất trong việc tập hợp, vận động quần chúng chấp hành và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhân dân xã Y Tịch, huyện Chi Lăng làm đường bê tông nông thôn |
Hiện nay, 2.320/2.320 khu dân cư trong tỉnh đều đã thành lập ban công tác mặt trận. Hàng năm, các ban công tác mặt trận đã phối hợp tổ chức được hàng ngàn cuộc phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo nên nếp sống lành mạnh, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng. Nội dung, hình thức tuyên truyền được thực hiện phong phú, thiết thực, phù hợp với đặc điểm và điều kiện khu dân cư.
Là một cán bộ làm công tác mặt trận lâu năm, ông Chu Văn Dần, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Nà Sèn, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn bày tỏ: “thôn tôi thuộc xã ngoại thành của thành phố, với nhiều thành phần dân tộc, nhiều thành phần dân cư, có cả người bản địa, người nhập cư và người tạm trú nên công tác quản lý gặp phải nhiều khó khăn. Bản thân tôi luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động sâu sát với dân, cảm thông và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với bà con nơi cư trú. Vì thế, tôi luôn được bà con ủng hộ, đồng thuận trong mọi mặt công tác, giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Cũng như ông Dần, nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, đội ngũ cán bộ mặt trận ở các khu dân cư đã trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, các cuộc vận động Ngày vì người nghèo, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã khơi dậy được tiềm năng, sức mạnh nội lực của nhân dân.
Theo thống kê, trong năm 2014, ban công tác mặt trận các khu dân cư trong tỉnh đã vận động nhân dân đóng góp trên 9,2 tỷ đồng, hiến hơn 93.000m² đất và hàng chục ngàn ngày công để sửa chữa, xây dựng các công trình nông thôn mới. Đầu năm 2015 đến nay, ban công tác mặt trận ở khu dân cư đã vận động nhân dân ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật với số tiền là 225 triệu đồng; vận động giúp đỡ các gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn với kinh phí 40 triệu đồng… Ông Dương Văn Vịnh, Trưởng Ban Tổ chức – Tuyên giáo của Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Ban công tác mặt trận ở khu dân cư có các thành viên thuộc nhiều tổ chức như chi hội nông dân, phụ nữ, người cao tuổi…, do đó, việc tập hợp, đoàn kết người dân luôn được thuận lợi. Đặc biệt, so với nhiều đoàn thể, cán bộ thường trưởng thành và đi lên từ cơ sở, riêng mặt trận thì ngược lại, đa số họ là những người đã về hưu đảm nhiệm công tác mặt trận; vì thế uy tín cũng cao hơn. Thêm vào đó, Trưởng ban công tác mặt trận các khu dân cư trong tỉnh có cả chuyên trách lẫn kiêm nhiệm. Chẳng hạn, tại huyện Hữu Lũng, trong 247 trưởng ban công tác mặt trận thì có 136 người là bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận. Việc kiêm nhiệm này cũng tạo sự thuận lợi cho quá trình công tác của họ; nhất là có thể lồng ghép các chương trình, hoạt động tại cùng một thời điểm…
Để phát huy tốt vai trò của ban công tác mặt trận, hàng năm, ủy ban MTTQ các cấp đều phối hợp tổ chức tập huấn nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ mặt trận ở khu dân cư. Nhờ vậy, họ ngày càng phát huy tốt vai trò của mình trong mọi mặt công tác, xứng đáng là cánh tay nối dài của hệ thống MTTQ. Cụ thể, ban công tác mặt trận đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những mâu thuẫn của nhân dân ngay tại khu dân cư, giảm được tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Các hoạt động về phát triển kinh tế, xã hội cũng được đội ngũ này tích cực tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả; góp phần đưa bộ mặt khu dân cư ngày càng đổi mới.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()