Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bồi dưỡng kỹ năng giám sát thực hiện chính sách đầu tư, giao dịch nhà ở xã hội tại Lạng Sơn
- Sáng 25/4, tại thành phố Lạng Sơn, Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị bồi dưỡng kỹ năng giám sát thực hiện chính sách đầu tư, giao dịch nhà ở xã hội cho 90 đại biểu là đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND; trưởng đoàn, phó trưởng đoàn ĐBQH; chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, lãnh đạo các ban và chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH &HĐND của 21 tỉnh, thành phố.
Dự hội nghị về phía tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh .
Về phía Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu khẳng định: Phát triển nhà ở xã hội không những đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động có thu nhập từ thấp đến trung bình mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và kích cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp; tạo động lực phát triển liên ngành và toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội trên cả nước và mỗi địa phương, trước mắt và lâu dài, vĩ mô và vi mô. Vì vậy, Ban Công tác đại biểu tổ chức Hội nghị “Kỹ năng giám sát thực hiện chính sách đầu tư, giao dịch nhà ở xã hội” nhằm giới thiệu cho các đại biểu dân cử một số thông tin cụ thể về nhà ở xã hội cũng như có các kỹ năng cơ bản giúp các đại biểu tham gia các đoàn giám sát về nhà ở xã hội.
Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua và công tác thực hiện đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí khẳng định, nhà ở xã hội có ý nghĩa thiệt thực với người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội; tuy nhiên, việc thực hiện chính sách về đầu tư, giao dịch nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nên việc giám sát về chính sách đầu tư, giao dịch nhà ở xã hội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để nắm tình hình, phát hiện những khó khăn, vướng mắc và có những kiến nghị đề xuất để xây dựng hành lang pháp lý, đề ra các giải pháp để phát triển nhà ở xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu được các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi các nội dung liên quan đến tổng quan về việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư, giao dịch nhà ở xã hội; nguyên tắc và phương pháp xác định giá bán, cho thuê nhà ở xã hội; kỹ năng giám sát đối với các điều kiện thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội; kỹ năng phân tích xử lý thông tin liên quan đến các quy định về giao dịch nhà ở xã hội...
Theo chương trình, hội nghị diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 25 đến 26/4/2024.
Ý kiến ()