Bàn chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế
LSO-Ngày 9/4/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị trực tuyến về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành. Tham dự tại điểm cầu Lạng Sơn có lãnh đạo các ngành hữu quan.
![]() |
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lạng Sơn |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Điều đó đòi hỏi cần phải có chiến lược cụ thể và lâu dài cho sản xuất nông nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được thông tin về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết như: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; khu mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc; Khu mậu dịch tự do ASEAN – Ấn Độ; Khu mậu dịch tự do Việt Nam – Nhật Bản… và nhiều cam kết mở cửa thị trường trong nước khác. Hội nhập mang lại những thuận lợi cho nông nghiệp là tăng trưởng xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm; thay đổi cơ cấu sản xuất và phát huy cao lợi thế so sánh của các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp; thay đổi tư duy và hệ thống quản lý ngành… Đồng thời hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức như: Gia tăng cạnh tranh và áp lực tới sản xuất, làm thu hẹp một số lĩnh vực có khả năng cạnh tranh thấp; phát sinh tranh chấp thương mại, nhưng khả năng giải quyết chưa đáp ứng yêu cầu; chậm điều chỉnh cơ cấu sản xuất để khai thác cơ hội và phát huy lợi thế so sánh của các vùng; năng lực cạnh tranh thấp.
Đối với Lạng Sơn, trong những năm qua tỉnh đã tăng cường lãnh đạo nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp; tăng cường hợp tác, hội nhập trong xuất khẩu; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững…tuy nhiên cùng với tình hình chung của cả nước, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, để cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tập trung phân tích nguyên nhân, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thách thức trong tiến trình hội nhập. Trong đó đi sâu vào thảo luận về dự thảo chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế của ngành đến năm 2030. Mục tiêu chung là phát huy toàn diện vai trò hội nhập kinh tế quốc tế để tạo môi trường thuận lợi, tăng nguồn lực, mở rộng thị trường. Nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững, hiệu quả, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
VŨ NHƯ PHONG

Ý kiến ()