Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương làm việc tại An Giang
Ngày 20-7, đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký T.Ư MTTQVN, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng làm trưởng đoàn, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh An Giang. Đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang tiếp và làm việc với đoàn.
Đoàn công tác T.Ư đã nghe báo cáo về công tác chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; thanh, kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, công khai, minh bạch tài sản, giải quyết những vụ việc nóng gây bức xúc trong nhân dân, việc triển khai, tuyên truyền các chính sách về phòng chống tham nhũng… tỉnh An Giang thời gian qua do Ban Nội chính Tỉnh ủy trình bày.
Đáng chú ý là việc làm rõ nhiều vụ do Thanh tra Chính phủ đề cập thời gian qua, liên quan đến nhiều sai phạm tại nhiều đơn vị, cá nhân là cán bộ, lãnh đạo tỉnh qua nhiều thời kỳ như: vụ án bến xe Châu Đốc, Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới, Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Văn hóa huyện Châu Phú, Chi cục Thi hành án Dân sự TP Long Xuyên, Chi cục Thủy lợi An Giang, Doanh nghiệp Mỹ Kiều (An Phú), Chi cục Quản lý thị trường An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang… Song song đó, tỉnh An Giang đã giải trình, làm rõ và cho biết tiến độ giải quyết nhiều vụ việc nổi cộm trên tinh thần minh bạch, không vùng cấm, có yếu tố cấu thành phạm tội chuyển cơ quan chức năng điều tra, xét xử.
Đồng chí Vũ Trọng Kim thay mặt Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đánh giá cao những công việc mà An Giang đã, đang thực hiện. Trong đó, phải giải quyết rốt ráo những vụ tồn đọng kéo dài trên quan điểm không né tránh; vấn đề, hoàn cảnh lịch sử, nội dung cụ thể; căn cứ phải có quyết định sát với tình hình.
Đồng chí Vũ Trọng Kim lưu ý ba vấn đề trọng tâm mà An Giang cần thực hiện trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới, bao gồm: phân loại rõ các vấn đề tham nhũng, nhất là tính chất, nguyên nhân để giải quyết có tính răn đe, ngăn ngừa hiệu quả. Các văn bản thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng cần được quán triệt sâu rộng, cụ thể. Ban Chỉ đạo, nhất là Ban Thường vụ các cấp cần xây dựng đội ngũ chuyên trách làm công tác phòng, chống tham nhũng, cụ thể là Ban Nội chính Tỉnh ủy phải thể hiện rõ vai trò, vị trí và hiệu quả công tác xử lý, giải quyết tốt hơn.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()