Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư làm việc với Ban Cán sự Đảng Chính phủ
Ngày 29-8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) T.Ư làm việc với Ban Cán sự Đảng Chính phủ về kết quả triển khai Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020.
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP T.Ư và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ, cùng chủ trì buổi làm việc.
Triển khai Kết luận số 92, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng các bộ, ngành bám sát những nội dung của Kết luận và các văn bản định hướng của Ban Chỉ đạo để tổ chức thực hiện, qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong các lĩnh vực: Thể chế hóa các chủ trương, nhiệm vụ CCTP; chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các đề án về tổ chức cơ quan điều tra, thi hành án hình sự, dân sự; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và thi hành án, bổ trợ tư pháp…
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư cho rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ trong lĩnh vực CCTP đã được tổ chức chặt chẽ, thường xuyên, nhờ đó, đem lại những hiệu quả thiết thực. Một số ý kiến đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chú trọng hơn việc tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án hình sự và dân sự; tăng cường nguồn lực cho công tác CCTP. Tập trung kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ chức luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định tư pháp.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đề cập đến khó khăn của các cấp, các ngành trong giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân, nhất là các vụ khiếu kiện tồn đọng, vượt cấp, kéo dài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư phát huy hơn nữa vai trò của Tòa hành chính và đội ngũ luật sư công, các tổ chức tư vấn pháp lý miễn phí, tích cực tham gia hỗ trợ người dân và các cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư.
Thủ tướng cũng đề nghị Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư nâng cao năng lực hệ thống các cơ quan giám định tư pháp, góp phần đẩy nhanh tiến trình giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự, dân sự, kinh tế… Đối với công tác giải quyết các vụ án hình sự, đề nghị Ban Chỉ đạo CCTP T.Ư nghiên cứu, từng bước đề xuất cơ quan có thẩm quyền giảm số tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình trong Bộ luật Hình sự; ngoài ra, cần tránh hình sự hóa các vụ án kinh tế trong áp dụng pháp luật.
Đánh giá cao kết quả trong việc triển khai Kết luận số 92, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, trong thời gian ngắn, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã thực hiện một khối lượng công việc lớn trên các mặt công tác CCTP, nhất là việc thể chế hóa, xây dựng pháp luật, phê duyệt một số đề án liên quan CCTP.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các Ban Cán sự Đảng các bộ, ngành trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức.
Chính phủ đã có nhiều cố gắng, từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế đối với công tác thi hành án; đẩy mạnh xã hội hóa công tác tư pháp, điển hình là mô hình thừa phát lại, góp phần giảm tải cho các cơ quan Nhà nước.
Cơ bản tán thành định hướng công tác CCTP của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; chú trọng hơn trong cải cách hành chính đối với các hoạt động tư pháp; tiếp tục nâng cao hiệu quả các khâu điều tra, xử lý, đấu tranh, phòng, chống, các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức; tiếp tục ưu tiên hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CCTP trong tình hình mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()