Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì Ngày 28-3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư họp Phiên thứ mười để thảo luận dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo về kết quả lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư chủ trì phiên họp.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì Ngày 28-3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư họp Phiên thứ mười để thảo luận dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo về kết quả lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư chủ trì phiên họp.
Cùng dự, có đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Ðảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo.
Theo dự thảo báo cáo, các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản đồng tình với các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Quốc hội công bố lấy ý kiến nhân dân. Nội dung của Dự thảo đã kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Ðồng thời, thể chế hóa những chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Ðảng về những vấn đề có liên quan đã được xác định tại các văn kiện Ðại hội Ðảng lần thứ XI và Nghị quyết Hội nghị T.Ư 2 và T.Ư 5 (khóa XI) về sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, xác định rõ chế độ chính trị, bản chất nhà nước và những nội dung, yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ðồng thời, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ Tổ quốc.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đóng góp nhiều ý kiến liên quan các nội dung cơ bản quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như Chế độ chính trị; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chủ tịch nước; Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân… Các thành viên Ban Chỉ đạo tán thành với quy định: Ðảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (Ðiều 4). Vì đây là vấn đề cốt lõi của chế độ chính trị trong Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta, sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội cần phải được xác định rõ trong Hiến pháp.
Ðề cập công tác cải cách tư pháp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, các quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản thể hiện được yêu cầu cải cách tư pháp, khẳng định Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; bổ sung nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm. Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị bổ sung vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chế định Hội đồng Tư pháp quốc gia do Chủ tịch nước hoặc Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng có chức năng bảo đảm các điều kiện cho Tòa án Nhân dân hoạt động độc lập, không chịu sự tác động bên ngoài.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ðó là những ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm, với mong muốn góp phần hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chủ tịch nước đề nghị, thường trực Ban Chỉ đạo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, khẩn trương hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ðối với những ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung những nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, khi hoàn thiện báo cáo cần có lập luận cụ thể, thấu đáo từng vấn đề, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, tiếp thu, góp phần xây dựng bản Hiến pháp đáp ứng nguyện vọng của toàn Ðảng, toàn dân.
Nhandan
Ý kiến ()