Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổng kết công tác năm 2019
LSO-Chiều 2/1/2020, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ (138/CP) về phòng, chống tội phạm và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) 138/CP và BCĐ 389 quốc gia đồng chủ trì hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng BCĐ 389 tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan thành viên BCĐ 138 và BCĐ 389 của tỉnh.
Theo báo cáo của BCĐ 138/CP, năm 2019, công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội đạt được những thành tích nổi bật. Cụ thể: điều tra, khám phá được 40.744 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ gần 82%, trong đó, án nghiêm trọng đạt 93,86%; khám phá 175 vụ mua bán người (đạt 91,14%); phát hiện, xử lý 14.356 vụ phạm tội về kinh tế; phát hiện, xử lý 25.346 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; phát hiện 22.814 vụ, bắt 35.151 đối tượng phạm tội về ma túy…
Đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tính đến hết tháng 11/2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý trên 196.800 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2018, khởi tố 1.883 vụ/2.200 đối tượng, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm 2018.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm 2019, lực lượng công an tỉnh và các lực lượng chức năng khác đã điều tra, làm rõ 405 vụ, với 523 đối tượng phạm pháp hình sự; trong đó, tỷ lệ phá án nghiêm trọng đạt 100%; phát hiện, bắt giữ 343 vụ với 622 đối tượng vi phạm pháp luật về ma tuý (tăng 28 vụ so với năm 2018), thu giữ trên 122 kg heroin, hơn 21 nghìn viên và trên 5,3 nghìn kg ma túy tổng hợp; phát hiện, khám phá nhiều vụ án liên quan đến lĩnh vực kinh tế …
Bên cạnh đó, năm 2019, các lực lượng chức năng chống buôn lậu của tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, xử lý 6.322 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử phạt hành chính 5.023 vụ, bằng 112,8% so với năm 2018. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính được gần 132 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu là gần 42 tỷ đồng. Đã khởi tố 397 vụ với 576 đối tượng.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương đã phát biểu, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả trong công tác phòng, chống tội phạm và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mà các bộ, ngành, các địa phương đạt được trong năm 2019. Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế như: một số loại tội phạm có xu hướng liên kết thành băng nhóm, đặc biệt là các loại tội phạm liên quan đến ma túy, tín dụng đen ngày càng manh động hơn; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Có nơi, có lúc chưa quyết liệt trong công tác xử lý. Đặc biệt là tình trạng buôn lậu hàng giả xuất xứ hàng Việt Nam có chiều hướng gia tăng…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Năm 2020, các bộ, ngành trung ương, các địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung triển khai các hoạt động phòng ngừa xã hội, trong đó làm tốt công tác tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời mâu thuẫn trong nhân dân. Lực lượng công an và các lực lượng khác cần tập trung ngăn ngừa, triệt phá các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức liên quan đến tín dụng đen, mua bán người, đưa người ra nước ngoài trái phép; tiếp tục hoàn thiện các thể chế về phòng, chống tội phạm…
Thủ tướng yêu cầu: Thời gian tới, các lực lượng chức năng từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình về hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên các vùng trọng điểm (trên các vùng biển, trên các tuyến biên giới); xử lý nghiêm các vụ việc, các đối tượng buôn lậu; tăng cường kiểm tra cán bộ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận động người dân không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu…
Ý kiến ()