Bàn cách phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cách mạng 4.0
Việt Nam cần xây dựng lại thể chế giáo dục nghề nghiệp theo hướng không chỉ đáp ứng được yêu cầu thay đổi công nghệ của doanh nghiệp trong nước mà còn hướng tới tham gia thị trường lao động quốc tế.
Thời gian gần đây, nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế khuyến cáo các quốc gia cần tập trung phát triển kỹ năng, giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề để thích ứng với cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII cũng nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.”
Trước những yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” vào tháng 9 tới tại Hà Nội.
Tại buổi họp báo giới thiệu sự kiện trên diễn ra sáng 10/5, đại diện Ban tổ chức cho hay, hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất ý tưởng phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.
Hội thảo cũng góp phần cung cấp thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho các đại biểu Quốc hội trong thẩm tra, giám sát, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành và cơ quan hữu quan hoàn thiện chính sách pháp luật, phát triển giáo dục nghề nghiệp, cung cấp nguồn lực có thay nghề cao cho đất nước trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, hội thảo sẽ là diễn đàn để trao đổi những điều tâm đắc, băn khoăn về giáo dục nghề nghiệp. Phần thảo luận chuyên đề sẽ tập trung vào ba nội dung: Thể chế giáo dục nghề nghiệp ; doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong khi đó Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ là đơn vị sử dụng người lao động mà còn chính là nơi đào tạo.Thực tế, các cơ sở giáo dục đào tạo bắt buộc phải dạy cái mà doanh nghiệp đang làm, đang cần. Dó đó, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Để giải quyết vướng mắc trong quan hệ giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hội thảo sẽ mời các đại biểu đến từ các hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… để lắng nghe doanh nghiệp cần gì, từ đó đào tạo ra nguôn nhân lực phù hợp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tham gia hội thảo cũng sẽ cùng chia sẻ cái nhìn tổng quan về giáo dục nghề nghiệp trên thế giới và đóng góp ý kiến cho Việt Nam xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong nước, hướng tới đào tạo phù hợp với cả thị trường lao động quốc tế./.
Ý kiến ()