Từ chính sách đến thực tế phát triển dược liệu
Phát biểu ý kiến khai mạc tọa đàm, đồng chí Thuận Hữu nêu rõ, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu, đồng thời có kho tàng tri thức khổng lồ trong sử dụng cây, con làm thuốc trong nhân dân. Xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên và sàng lọc các sản phẩm đó để tìm ra các hoạt chất sinh học mới, ít độc tính hơn, với chi phí cho nghiên cứu phát triển thấp hơn… đang ngày càng được ưu tiên. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác. Nhiều địa phương, cây dược liệu đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo. Tiềm năng và cơ hội phát triển là rất lớn, nhưng chúng ta cũng đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Đó là việc dược liệu nuôi trồng, thu hái trong nước mới đáp ứng ở mức thấp nhu cầu sử dụng; số còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng chất lượng một số loại dược liệu nhập khẩu; nhất là nguồn gốc, xuất xứ của dược liệu nhập khẩu theo các con đường tiểu ngạch đang bị thả nổi. Điều này đang làm đau đầu các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu.
Đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII vừa qua, Luật Dược (sửa đổi) đã được Quốc hội chính thức thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, đã đưa ra một loạt các chính sách, giải pháp nhằm khôi phục vị thế cho dược liệu, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền Việt Nam. Tăng cường quản lý, phát triển dược liệu là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài mà Luật Dược (sửa đổi) đã tạo ra tiền đề, để ngành dược phát huy vai trò, vị trí trong thời gian tới. Mặt khác, muốn phát triển tốt ngành dược cần giải quyết nhiều vấn đề liên quan cơ chế, chính sách; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; quy hoạch phát triển công nghiệp dược; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, bác sĩ y học cổ truyền; quản lý xuất nhập khẩu dược liệu… Vì vậy, tọa đàm này là hết sức thiết thực để thực hiện các mục tiêu đề ra, phát huy tiềm năng của cây dược liệu trong nước.
Báo cáo tình hình phát triển dược liệu và công tác quản lý dược liệu hiện nay, Cục trưởng Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) Phạm Vũ Khánh cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm việc phát triển dược liệu, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và coi đó là một trong các nhóm giải pháp của công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, do giá trị thu nhập của dược liệu mang lại. Ngày 30-10-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với quan điểm phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội; phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Ngày 19-12-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó, có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nuôi trồng, thu hái cây dược liệu nói riêng.
Thực hiện Quyết định 1976/QĐ-TTg, Bộ Y tế đã phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng và phát triển Vườn Quốc gia Yên Tử, nhằm bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn dược liệu trong vùng; phối hợp UBND tỉnh Hà Giang thực hiện Nghị quyết 30A/2008/NQ-CP xây dựng các vùng trồng dược liệu tại các hộ gia đình; phối hợp UBND tỉnh Kon Tum, Lai Châu thực hiện công tác quy hoạch và nuôi trồng dược liệu. Hiện nay, tổng sản lượng dược liệu trồng hằng năm chỉ khoảng 5.000 tấn, trong khi nhu cầu trong nước rất lớn, khoảng 50.000-60.000 tấn/năm. Đầu ra cho dược liệu trong nước chủ yếu do các thương lái thu gom, một số ít được các nhà máy sản xuất dược liệu thu mua.
Nguồn dược liệu nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, đang rất khó quản lý và có nhiều bất cập. Khi dược liệu được thông quan tại các cửa khẩu, nhưng cán bộ hải quan không có chuyên môn để kiểm tra chất lượng. Kiểm tra chất lượng trên thị trường, phần lớn là dược liệu kém chất lượng hoặc bị chiết xuất một phần hoạt chất, dược liệu bị “phù phép” từ chỗ không có hóa đơn chứng từ và nguồn gốc xuất xứ, được một số doanh nghiệp kinh doanh dược liệu, cơ sở sản xuất thuốc hợp thức hóa giấy tờ, để lọt vào đấu thầu tại các cơ sở y tế. Các cơ sở y tế cũng không kiểm soát được chất lượng dược liệu trước khi đưa vào sử dụng, do trình độ của cán bộ kiểm nghiệm tại bệnh viện hạn chế, không có máy móc kiểm định; phiếu kiểm nghiệm chất lượng dược liệu của cơ quan chức năng bị quay vòng để tuồn thuốc kém chất lượng vào bệnh viện. Bên cạnh đó, cán bộ kiểm nghiệm tại các trung tâm kiểm nghiệm còn thiếu và yếu về chuyên môn… Những hạn chế nêu trên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị bệnh bằng YHCT và không khuyến khích được việc trồng, thu hái dược liệu trong nước.
Nguyên nhân của thực trạng nêu trên do các quy hoạch, định hướng vùng trồng của Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vẫn chỉ là kế hoạch, chưa được chú trọng đầu tư, bố trí nguồn kinh phí để phát triển dược liệu. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dược liệu còn thiếu, hoạt động kinh doanh, sản xuất dược liệu vẫn dựa theo các quy định về quản lý thuốc tân dược, cho nên, có nhiều bất hợp lý. Để nâng cao công tác quản lý chất lượng dược liệu và củng cố hệ thống cung ứng dược liệu, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành thông tư quy định tiêu chí đánh giá về mặt kỹ thuật tại hồ sơ mời thầu cung cấp dược liệu và vị thuốc YHCT trong các cơ sở y tế; sửa đổi Thông tư 14/2009/TT-BYT vì nhiều quy định không phù hợp điều kiện nuôi trồng, thu hái cây thuốc tại Việt Nam; có cơ chế hỗ trợ, ưu tiên trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh đối với dược liệu trồng trong nước, dược liệu khai thác hợp pháp, thuốc sản xuất từ dược liệu trong nước… Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các dược liệu nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Từ thực tế phát triển dược liệu ở địa phương, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Vũ Tuấn Cường cho rằng, công tác phát triển dược liệu tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung còn nhiều khó khăn, cần sớm khắc phục. Đó là chính sách ưu đãi đầu tư cho nuôi trồng chưa cụ thể, chưa có chính sách bao tiêu sản phẩm dược liệu theo chuỗi từ vùng nuôi trồng dược liệu, bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Đầu ra cho dược liệu cũng bế tắc do chưa kiểm soát chặt chẽ nguồn dược liệu nhập khẩu. Tiêu chuẩn dược liệu chưa đầy đủ, thiếu các quy định về hàm lượng, hoạt chất… Quảng Ninh đã hình thành được nhiều mô hình trồng dược liệu, có một số cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu và một nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu.
Để phát triển dược liệu một cách bền vững, có hệ thống, cần sự quyết tâm chính trị của chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành liên quan. Mọi nguồn lực cần được huy động để đầu tư cho phát triển dược liệu, trong đó, nguồn vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể đầu tư phát triển vùng trồng, sơ chế, chế biến dược liệu và sản xuất các sản phẩm từ dược liệu; nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư nghiên cứu, cải tiến quy trình, kỹ thuật sản xuất giống và trồng dược liệu, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm kỹ thuật cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi lớn như hỗ trợ giống, phân bón, vay vốn… nhằm khai thác lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn gien cây dược liệu và thu hút doanh nghiệp đầu tư, phấn đấu thành vùng trọng điểm về phát triển dược liệu. Kết quả, đã phát triển dược liệu theo quy mô hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã dược liệu… nhưng vẫn chưa khai thác hết các thế mạnh. Thông qua tọa đàm, tỉnh Hà Giang kiến nghị khai thác dược liệu cần đi đôi với tái tạo và bảo tồn dược liệu từ tự nhiên, vì đây là nguồn vốn đặc biệt quý giá. Để làm được phải có sự phối kết hợp chung của các bộ, ngành trung ương. Dược liệu tự nhiên nên cấm xuất khẩu dưới mọi hình thức, nếu không thông qua các tổ chức, cá nhân được phép khai thác, bảo tồn bền vững. Ông Nguyễn Minh Tiến đề nghị Chính phủ cho xây dựng và ban hành chính sách riêng về phát triển dược liệu Việt Nam, không lồng ghép vào các chương trình khác, có như vậy mới giải quyết được tất cả vướng mắc hiện nay về dược liệu.
Cùng chung tình trạng chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh đặc hữu của địa phương trong phát triển dược liệu, nhất là cây sâm Ngọc Linh, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết, chính quyền tỉnh và huyện hằng năm đều dành kinh phí để hỗ trợ cho bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay, toàn huyện đã có hơn 1.300 ha trồng sâm, một số hộ nhanh chóng giảm nghèo, vươn lên làm giàu, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Tuy vậy, công tác bảo tồn và phát triển cây sâm còn nhiều hạn chế, như: chưa hình thành được vùng sâm nguyên liệu ổn định, sản phẩm làm ra ít về chủng loại và số lượng; nhiều hộ bán sâm non khi chưa đến tuổi khai thác nên giá trị kinh tế không cao… Nguyên nhân do cơ chế, chính sách của trung ương và địa phương chưa đủ hấp dẫn để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp; việc đầu tư cây sâm giống thời gian qua chỉ mang tính chất hỗ trợ, chưa có định hướng phát triển; công tác nghiên cứu khoa học về phát triển cây sâm còn ít, sản phẩm chưa thể cạnh tranh trên thị trường thế giới; nguồn kinh phí đầu tư chưa xứng tầm tiềm năng đặc hữu của cây sâm Ngọc Linh. Phát triển cây sâm Ngọc Linh sẽ tạo bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho vùng núi, do đó, địa phương rất cần những chủ trương, chính sách sát thực tế hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mạnh vào phát triển cây sâm Ngọc Linh; các nhà khoa học cần nghiên cứu phát triển cây sâm, các sản phẩm sản xuất từ cây sâm để có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Liên kết để phát triển dược liệu bền vững
Theo Ths Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco, để phát triển dược liệu Việt Nam, vấn đề mấu chốt là giải quyết đầu ra (sản phẩm dược liệu, các sản phẩm chế biến từ dược liệu). Nhiệm vụ này không ai khác ngoài doanh nghiệp phải thực hiện. Những năm qua, Traphaco đã xác định con đường phát triển bắt buộc và cũng gần như là duy nhất là sản xuất dược phẩm có nguồn gốc từ thảo dược với phương châm “Công nghệ mới và bản sắc cổ truyền”. Nhận thấy rằng, chỉ có con đường phát triển bền vững mới mang lại giá trị thương hiệu lâu dài và tăng trưởng ổn định, Traphaco lựa chọn chiến lược phát triển “Con đường sức khỏe xanh”, nhằm góp phần phát triển nền “kinh tế xanh”, trong đó đặc biệt tập trung xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu từ rất sớm. Bước ngoặt thật sự để tạo nên cú bứt phá ngoạn mục và toàn diện cho Traphaco chính là sự ra đời của Dự án nguyên liệu xanh (năm 2009) với mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nhà nông, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Mối liên kết đó giúp công ty phát triển hướng đi với bốn mục tiêu chiến lược phát triển xuyên suốt, toàn bộ chuỗi giá trị từ dược liệu: nguyên liệu xanh; công nghệ xanh; sản phẩm xanh; dịch vụ xanh.
Từ kinh nghiệm quá trình phát triển, Ths Vũ Thị Thuận cho rằng, để bảo đảm người dân được sử dụng những sản phẩm tốt từ dược liệu cần sự chung tay góp sức của các đơn vị, các “nhà” nêu trên, trong những mối quan hệ phát triển. Chỉ có liên kết mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới, đồng thời giúp doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Mỗi “nhà” cần vào cuộc hiệu quả hơn nữa, nhằm tăng cường liên kết phát triển bền vững dược liệu Việt. Theo đó, các chính sách của Đảng và Nhà nước phải được thể chế hóa theo hướng đầu tư mạnh vào một chương trình quốc gia với các hành động cụ thể đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành: Y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, sinh học, hóa dược và chính quyền các tỉnh, thành phố… Thành lập đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về cây thuốc và các chế phẩm từ dược liệu; đẩy mạnh nghiên cứu cây thuốc để có những quy trình khả thi, hiệu quả cho doanh nghiệp áp dụng, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện trồng trọt và thu hái. Có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân xây dựng các vùng nuôi trồng, khai thác dược liệu. Chọn một số doanh nghiệp có năng lực để Nhà nước đầu tư mạnh mẽ, hỗ trợ, bảo đảm để xây dựng mô hình phối hợp bốn “nhà”, tạo dựng vùng sản xuất dược liệu, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, cung cấp dược liệu tốt, ổn định cho công nghiệp dược, y học cổ truyền và xuất khẩu; tổ chức phát triển các vùng trồng cây thuốc có nhu cầu sử dụng lớn.
Các nhà khoa học, các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, giống mới để di thực trồng thuần hóa tại Việt Nam, đồng thời nghiên cứu phải gắn liền thực tế và có chiến lược cụ thể. Chủ động hợp tác doanh nghiệp trong triển khai đề tài nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, chủ động hợp tác người dân để bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật làm thuốc.
Nhà nông cần có định hướng sản xuất và bảo đảm được đầu ra; bảo đảm sản xuất ra dược liệu có chất lượng tốt từ sự đầu tư đầy đủ về giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái, chế biến và bảo quản; liên kết với nhau thành một tổ hợp hay hợp tác xã để có vùng trồng cây thuốc quy mô, diện tích lớn, chấm dứt tình trạng manh mún, riêng lẻ.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo các tiêu chuẩn về “Thực hành tốt – GPs”, trong đó có thực hành tốt trồng và thu hái cây thuốc (GACP), bảo đảm chất lượng thuốc tốt, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng yêu cầu.
Từ các bài học kinh nghiệm, cả lý luận và thực tiễn trong phát triển dược liệu thời gian qua, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DKPharma Trần Văn Ơn đề xuất mô hình cung ứng dược liệu Việt Nam theo hướng củng cố các hệ thống đã có và hình thành một số chuỗi sản xuất, cung ứng liên kết. Đó là việc hình thành các tổ chức kinh tế về dược liệu tại cộng đồng để giữ vai trò: biến các dược liệu tươi thành dược liệu thô, cung cấp chủ yếu các sản phẩm thứ cấp ở dạng đơn giản ra thị trường và các doanh nghiệp chủ chốt (dược liệu khô, dược liệu đóng gói, thuốc phiến đóng gói có yêu cầu chế biến đơn giản, chế phẩm hoàn thiện dạng đơn giản như trà túi lọc, bột thuốc,…). Các doanh nghiệp này cũng tham gia sản xuất sơ cấp nhờ có một phần đất trồng dược liệu được quy hoạch thành vùng tương đối rộng, tạo thành các “đồn điền trung tâm”, vừa đóng vai trò cung ứng dược liệu tươi, vừa tạo mô hình cho cộng đồng học tập. Với tư cách pháp nhân, các đơn vị này chịu trách nhiệm quản lý vùng trồng và thu hái của mình, bao gồm phần trồng trực tiếp và theo hợp đồng với các hộ gia đình trong khu vực, và công bố GACP-WHO theo các quy định của Bộ Y tế.
Đồng thời hình thành các doanh nghiệp chủ chốt, thực hiện chế biến các dược liệu thô thành sản phẩm cao cấp hơn, bao gồm: dược liệu đóng gói, cao định chuẩn, thuốc phiến yêu cầu chế biến phức tạp, các chế phẩm hoàn thiện (viên nén, viên nang, trà tan,…) cung cấp cho thị trường thuốc YHCT và thị trường bán lẻ. Hạt nhân của các doanh nghiệp chủ chốt này là các nhà xưởng chiết xuất và sản xuất có trình độ công nghệ cao nhất trong chuỗi. Để tăng tính liên kết, các doanh nghiệp chủ chốt có vốn góp vào các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã tại cộng đồng.
Thực hiện tái cơ cấu các vùng trồng đã có theo các tiêu chuẩn của GACP. Theo đó, một số dược liệu đã được trồng trọt và sơ chế với quy mô tương đối lớn nhưng chưa đạt GACP-WHO như nghệ, táo mèo, địa liền, gừng, quế, đại hồi, thảo quả, ba kích,… (khoảng 30 đến 50 dược liệu) sẽ được tái cơ cấu theo các quy chuẩn của GACP-WHO, kể cả phần cứng và phần mềm, bằng cách hình thành các tổ chức kinh tế tại cộng đồng (nếu chưa có), xây dựng các cơ sở sơ chế tại chỗ, quy hoạch lại các khu trồng theo lô, đào tạo và huấn luyện, xây dựng các quy trình kỹ thuật, thao tác chuẩn phù hợp… Đây là con đường ngắn và tiết kiệm nhất để cho một số dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.
Thẳng thắn nhìn nhận những đóng góp trong việc phát triển dược liệu ở nước ta thời gian qua, Viện trưởng Dược liệu (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Khởi cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) mặc dù có những kết quả khích lệ, nhất là ứng dụng trong phát triển dược liệu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hạn chế. Đó là việc chưa có sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh dược liệu, nên chưa phát huy được các kết quả của NCKH để ứng dụng vào thực tiễn. Đầu tư cơ sở vật chất cho các NCKH còn nhiều hạn chế, dàn trải. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây dược liệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống cây dược liệu, kỹ thuật nuôi trồng, bảo tồn và phát triển nguồn gien cây dược liệu, tiêu chuẩn hóa, sản xuất thành phẩm chưa được quan tâm và đầu tư đủ mạnh…
Để khoa học công nghệ thật sự là động lực then chốt phát triển đất nước, trong đó có phát triển dược liệu, TS Nguyễn Minh Khởi kiến nghị một số giải pháp: Chính phủ cần tập trung chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, trong đó có các giải pháp về khoa học công nghệ phục vụ phát triển dược liệu. Hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với hoạt động khoa học và cán bộ khoa học để thu hút, khuyến khích động viên sự đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức khoa học cho sự nghiệp khoa học nói chung và cho phát triển dược liệu nói riêng. Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu cân đối nguồn kinh phí để đầu tư thích đáng, tập trung một số khâu then chốt để phát triển dược liệu, trọng tâm cho giống, công tác chế biến, tạo vùng trồng. Xây dựng các trung tâm mạnh, đủ năng lực trong nghiên cứu chọn tạo các giống dược liệu tiên tiến, có năng suất và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Triển khai xây dựng những vùng trồng dược liệu tập trung có lợi thế cho từng loài dược liệu cụ thể. Tập trung rà soát, sớm ban hành các cơ chế, chính sách đòn bẩy, đột phá, như tạo đầu ra cho dược liệu, các sản phẩm, thuốc từ dược liệu, cơ chế gắn kết giữa cầu và cung, phải xuất phát từ cầu để đẩy cung, tìm lợi thế của cung để kích cầu. Triển khai đồng bộ các nội dung để phát triển dược liệu bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng.
Tại tọa đàm, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Sâm Ngọc Linh Việt Nam Nguyễn Văn Sáu giới thiệu quy trình thích nghi và trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô ngoài vùng đặc hữu. Việc nghiên cứu xây dựng thành công quy trình này góp phần quan trọng vào việc bảo tồn nguồn giống và tạo ra nguồn dược liệu quý đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh. Quy trình gồm các công đoạn: chuẩn hóa độ tuổi và kích thước củ sâm Ngọc Linh in vitro; thích nghi cây sâm Ngọc Linh in vitro với môi trường; khử trùng củ và trồng cây trong vườn ươm; trồng cây ngoài vườn trồng. Cây sâm Ngọc Linh được thích nghi theo quy trình của sáng chế có khả năng phát triển khỏe mạnh cả bên ngoài vùng đặc hữu bản địa là vùng núi Ngọc Linh. Cây sâm Ngọc Linh có thể phát triển được trên các vùng núi như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo. Với tỷ lệ sống cao (trên 70%), quy trình theo sáng chế đã góp phần vào hoàn thiện quy trình nhân nhanh giống cây sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô tế bào thực vật, nâng cao hiệu suất nhân giống và hạ giá thành sản phẩm.
Phát biểu ý kiến kết luận tọa đàm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao tham luận của các đại biểu từ các khía cạnh khác nhau, đã nói lên những tâm huyết, những kinh nghiệm thực trạng và đặc biệt đề xuất các giải pháp để phát triển dược liệu bền vững. Hiện nay, vấn đề dược liệu là vô cùng bức thiết, cần giải quyết nhiều khía cạnh. Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị về phát triển dược liệu, y học cổ truyền và cùng Mặt trận Tổ quốc phát động các chương trình Người Việt dùng thuốc Việt; Ngôi sao thuốc Việt, trong đó có chính sách ưu tiên thuốc dược liệu, y học cổ truyền. Bên cạnh sự hợp tác vào cuộc của bốn “nhà” (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông), cần có thêm sự vào cuộc của nhà sử dụng. Đó là hệ thống các bệnh viện cơ sở khám, chữa bệnh chuyên dùng các thuốc từ dược liệu và thuốc nam, kể cả các trạm y tế xã cho đến các lương y.
Bộ trưởng Y tế chỉ rõ một số khó khăn hiện nay, đó là thuốc sản xuất trong nước (cả đông y và tây y) hiện mới đáp ứng được 50% yêu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh; trong khi đó, dược liệu trong nước mới đáp ứng được 20% nhu cầu, còn lại là nhập khẩu. Thứ hai, các thuốc dược liệu chưa được công bố theo GACP – WHO tiêu chuẩn hóa để ưu tiên trong danh mục đấu thầu. Thứ ba, nguồn nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch nhưng chất lượng không đạt. Trong khi đó, dược liệu của các doanh nghiệp làm ăn tốt, nhưng giá cao, không cạnh tranh được với thuốc trôi nổi, tiểu ngạch sản xuất manh mún. Vì vậy, cần hình thành chuỗi doanh nghiệp cung ứng bao gồm nuôi trồng, thu gom, chuỗi phân phối, phải xuất phát từ phía doanh nghiệp. Người đứng đầu ngành y tế cũng cảnh báo, việc phát triển dược liệu cần có quy hoạch, gắn với đầu ra cho sản phẩm khi một số doanh nghiệp tiêu thụ nhiều thì đã có chỗ trồng rồi; nếu xuất khẩu thì có cạnh tranh được với các nước hay không?
Ý kiến ()