Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu
Sáng 27-8, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Ban Bí thư đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về tình hình sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 12. Ðồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư.
Sáng 27-8, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Ban Bí thư đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về tình hình sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 12. Ðồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư.
Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu báo cáo và đại diện các ban, bộ, ngành T.Ư phát biểu ý kiến, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Bí thư kết luận buổi làm việc. Phân tích rõ đặc điểm, tình hình, thuận lợi, khó khăn của Lai Châu, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Lai Châu là tỉnh có vị trí địa chính trị, quân sự chiến lược trọng yếu, đặc biệt quan trọng; có lợi thế, tiềm năng phát triển thương mại, kinh tế biên mậu, kinh tế nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,… Tuy nhiên, Lai Châu là tỉnh nghèo nhất nước, quy mô nền kinh tế nhỏ; hạ tầng kinh tế – xã hội thấp kém, không đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng kém. Triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 12, Ðảng bộ tỉnh Lai Châu đã nêu cao ý chí, quyết tâm, chỉ đạo đồng bộ, triển khai thực hiện nghị quyết bài bản; xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo và đạt kết quả quan trọng; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 13,83%; đã xuất hiện một số mô hình sản xuất mới. Các loại cây chè, cao-su đã phát triển thành các vùng cây công nghiệp lớn, tạo hướng xóa đói, giảm nghèo bền vững. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2012 tăng 1,36 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân 7,5%. Công tác tái định cư gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị được chăm lo, nhất là việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện nghiêm túc; bước đầu khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người hằng năm mới đạt 12,1 triệu đồng, bằng 59% của các tỉnh miền núi phía bắc và 36% của cả nước. Thu ngân sách chỉ đáp ứng 6% tổng chi ngân sách. Tỷ lệ hộ nghèo cao (31,82%) và nguy cơ tái nghèo lớn. Một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị trên một số mặt còn hạn chế. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy yếu, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là ở cơ sở.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến năm 2020, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Lai Châu cần phát huy thành tích, kinh nghiệm đã có, nêu cao quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành, phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực và sự giúp đỡ của Trung ương để phát triển nhanh kinh tế – xã hội, đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2015 và trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía bắc vào năm 2020. Cụ thể là, Lai Châu cần tăng cường đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của T.Ư, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội. Tỉnh nên tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp mà tỉnh có lợi thế một cách phù hợp như thủy điện, khai khoáng, chế biến lâm sản, cao-su, chè,… Tập trung xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối liên vùng, liên tỉnh, liên huyện và cơ sở. Phát triển mạnh kinh tế biên mậu; xây dựng tốt mối quan hệ với Trung Quốc, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác, ổn định lâu dài, tạo điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế. Nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ bằng việc đa dạng hóa các chương trình đào tạo gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; quan tâm đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, nữ, cán bộ ở cơ sở. Ðồng chí Tổng Bí thư mong muốn các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, giảm sự chênh lệch, khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh và trong tỉnh với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước,… Chăm lo phát triển kinh tế gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu. Chú ý các vấn đề di dịch cư tự do, các vấn đề về tôn giáo, dân tộc. Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị xã hội trong mọi tình huống, không để xảy ra bất ngờ.
Tổng Bí thư đề nghị, các cấp ủy, các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở chú trọng công tác xây dựng Ðảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.
Ban Bí thư ghi nhận các kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu; đề nghị Ban cán sự Ðảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ động phối hợp với tỉnh Lai Châu nghiên cứu tổ chức thực hiện. Về một số kiến nghị đang trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm, sẽ có tổng kết, chỉ đạo chung.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()