Ban Bí thư họp về thực hiện các Nghị quyết số 18 và 19; góp ý vào dự thảo chỉ thị nâng cao chất lượng đảng viên
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo phiên họp. |
Sáng 18-12, tại Trụ sở T.Ư Đảng, Ban Bí thư họp cho ý kiến về Báo cáo kết quả năm đoàn kiểm tra của Ban Bí thư đối với 15 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc T.Ư, trong việc thực hiện các Nghị quyết số 18 và 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Thực hiện Chương trình kiểm tra năm 2018, Ban Bí thư tổ chức năm đoàn, do các đồng chí Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn, kiểm tra việc quán triệt, triển khai hai Nghị quyết số 18 và 19 gắn với thực hiện Kết luận số 64, ngày 28-5-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở tại 15 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe đại diện Ủy ban Kiểm tra T.Ư báo cáo tổng hợp báo cáo của năm đoàn kiểm tra, các đồng chí trong Ban Bí thư đã thảo luận, đánh giá, các Nghị quyết số 18 và 19 ban hành mới một năm, nhưng đã được triển khai kịp thời và đạt những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động. Đây là việc lớn, quá trình triển khai thực hiện còn vướng mắc, Ban Bí thư cần có thông báo kết luận để chỉ đạo.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đồng tình với báo cáo tổng hợp và ý kiến thảo luận tại buổi làm việc. Việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết nhanh chóng, bài bản, đồng bộ giữa Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong quá trình triển khai, Bộ Chính trị thường xuyên chỉ đạo; Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ kịp thời phát hiện vướng mắc, nảy sinh, hướng dẫn cách giải quyết. Hằng tháng, Ban Tổ chức T.Ư giao ban trực tuyến toàn ngành nhằm nắm tình hình sâu sát từ cơ sở. Những kết quả nổi bật là, các cấp ủy vào cuộc mạnh mẽ từ khâu quán triệt nghị quyết đến khảo sát cách làm của các địa phương khác, làm bài bản, quyết liệt; thí điểm một số mô hình tổ chức bộ máy, kiêm nhiệm chức danh, sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và đầu mối bên trong hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm được nhiều biên chế, đơn vị trung gian; bước đầu khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý. Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập cơ bản được quy hoạch hướng tới tinh gọn, cơ cấu hợp lý; việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương xã hội hóa cung ứng dịch vụ công đã có tác dụng tích cực. Công tác xây dựng đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế được quan tâm. Một số địa phương, đơn vị đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đảng viên, cán bộ công chức, viên chức về hưu trước thời hạn, bảo đảm lợi ích cá nhân và lợi ích chung. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết được quan tâm, kịp thời phát hiện, khắc phục hạn chế trong tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, một số nơi, chất lượng quán triệt nghị quyết chưa cao, hành động chưa quyết liệt, người đứng đầu chưa chủ động. Trong quá trình thực hiện còn một số vấn đề vướng mắc, chưa có các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể của Trung ương, nhất là đối với cán bộ dôi dư, các chức danh kiêm nhiệm. Cần gắn tinh giản biên chế đi đôi với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, việc kiểm tra thực hiện hai Nghị quyết số 18 và 19 là rất cần thiết, từ đó có thêm nhiều thông tin để chỉ đạo thực hiện mạnh hơn trong thời gian tới. Hai nghị quyết số 18 và 19 đề cập những vấn đề lớn, hệ trọng, khó, mới, nhạy cảm và phức tạp. Kết quả rõ nhất là việc nhận thức về tầm quan trọng của nghị quyết có nhiều chuyển biến rõ nét; hành động khẩn trương, quyết liệt và cho những kết quả cụ thể. Qua kiểm tra cũng phát hiện những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Có nơi nhận thức về nghị quyết chưa tốt do tổ chức quán triệt chưa sâu sắc; còn thiếu văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể. Từ thực tế cho thấy bộc lộ hai khuynh hướng, đó là cầu toàn, chờ hướng dẫn của trên, hoặc nóng vội. Cả hai khuynh hướng này đều phải chấn chỉnh. Làm quyết liệt, nhưng phải chắc chắn, bài bản, có hiệu quả cụ thể, không để xảy ra lộn xộn, mất ổn định. Tập trung rà soát các chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan; giảm cấp trung gian, giảm cấp phó, tập trung giải quyết tốt số cán bộ dôi dư để bảo đảm chính sách đối với cán bộ. Cái gì đã rõ, đã chín thì làm cho thật hiệu quả, cái chưa rõ chưa chín thì nghiên cứu, làm chắc chắn. Ban Bí thư sẽ có thông báo kết luận để chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hai nghị quyết quan trọng này.
★ Tại buổi họp, Ban Bí thư cũng cho ý kiến vào dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Sau khi nghe lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư báo cáo, các đồng chí trong Ban Bí thư thảo luận về vấn đề nêu trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến, đồng tình với Tờ trình của Ban Tổ chức T.Ư và các ý kiến tại buổi làm việc. Đồng chí nhấn mạnh việc ban hành chỉ thị về vấn đề này là rất cần thiết và phải thực hiện quyết liệt, để nâng cao chất lượng đảng viên. Quan điểm chỉ đạo là, đối với đảng viên mới kết nạp phải tiếp tục chú trọng giáo dục, quản lý, rèn luyện; coi trọng chất lượng đảng viên ngay từ khâu đầu vào. Công tác đảng viên hết sức quan trọng; không có đảng viên thì làm gì có Đảng. Năm 1945, chỉ với gần 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo đồng bào cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Ngày nay, chúng ta có gần năm triệu đảng viên, sinh hoạt ở 270.046 chi bộ thuộc 57.794 tổ chức cơ sở đảng. Đảng viên đông nhưng không mạnh, đó là vì chất lượng đảng viên, trước hết là tư tưởng chính trị, có trung thành với lý tưởng của Đảng không; phẩm chất đạo đức, lối sống có gương mẫu không? Vì thế, Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đặt vấn đề phải không ngừng nâng cao chất lượng đảng viên. Từng đảng viên có tốt thì chi bộ mới tốt; chi bộ có tốt thì Đảng mới mạnh để lãnh đạo đất nước phát triển,… Chỉ thị của Ban Bí thư không đề cập toàn bộ công tác đảng viên mà đi sâu vào việc nâng cao chất lượng kết nạp, rà soát, sàng lọc đảng viên, chống cho được sự suy thoái. Vào Đảng để phấn đấu, hy sinh cho Đảng, cho đất nước, chứ không phải để được nâng lương, để thăng quan tiến chức; đảng viên phải có ý thức chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, các quy định của Đảng, chấp hành nghiêm chế độ sinh hoạt Đảng, tính chiến đấu của Đảng. Phải coi trọng nội dung giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, bởi suy thoái về tư tưởng chính trị còn nguy hiểm hơn suy thoái về kinh tế, tham nhũng. Các nội dung trong chỉ thị cần sắc sảo, có tính chiến đấu cao và có tầm tư tưởng.
Ý kiến ()