Bản anh hùng ca ngày giải phóng
Chiến thắng mùa xuân năm 1975 đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi mở ra thời kỳ đầy tươi sáng, vẻ vang cho cả dân tộc. Dấu son ấy đã ghi tạc những chiến công bất hủ, đã vẽ nên chân dung những con người huyền thoại, và đã trở thành cảm hứng để những ca khúc bất tử ra đời.
Trong những tháng ngày đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, mỗi bài hát giống như dòng thác cách mạng, lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc giục toàn quân tiến lên, và cũng kịp thời cổ vũ thắng lợi của các chiến dịch lớn trên nhiều mặt trận. Cuối tháng 3-1975, quân ta giải phóng toàn bộ Tây Nguyên đã mở ra cảm hứng để hàng loạt sáng tác âm nhạc ra đời, như: Hát mừng Tây Nguyên giải phóng (Cầm Phong), Những tiếng ca trên đất này (Nguyễn Đức Toàn), Sông Đắkrông mùa xuân về (Tố Hải)… Chiến thắng vang dội của chiến dịch Huế – Đà Nẵng cũng tạo mạch nguồn xúc cảm để nhiều ca khúc được sáng tác, như: Huế của ta ơi (Thanh Phúc), Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương (Văn An), Đà Nẵng ơi! Chúng con lại về (Phan Huỳnh Điểu), Sông Hàn vang tiếng hát (Huy Du)… Tiếp đó, hàng loạt tỉnh, thành phố được giải phóng, như: Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa… cũng đánh dấu sự xuất hiện của nhiều ca khúc đặc sắc, gồm: Mùa xuân Bình Định (Dân Huyền), Quảng Ngãi quê em sáng xuân nay (Ánh Dương), Chào Nha Trang giải phóng (Hoàng Hà), Những thành phố bên bờ biển cả (Phạm Đình Sáu)…
Và đặc biệt, đến cuối tháng 4-1975, tin vui dồn dập của quân ta trên khắp các chiến trường với thắng lợi rực rỡ của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đem đến không khí sôi nổi, hào hùng trên mọi miền đất nước. Cũng từ đây, niềm vui lớn lao và vĩ đại chưa từng có của cả dân tộc đã biến thành những giai điệu, lời ca bất hủ ngân vang suốt chiều dài lịch sử, như: Ta đã về Sài Gòn ơi (Văn Dung), Giữa Sài Gòn giải phóng (Hồ Bắc), Hát về thành phố tên vàng (Cát Vận)… Trong đó, Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà được xem là một trong những ca khúc hay nhất viết về ngày toàn thắng của dân tộc. Ông hoàn thành bài hát vào đêm 26-4-1975 tại nhà riêng ở phố Yên Phụ, Hà Nội. Công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thường xuyên có điều kiện tiếp xúc với những tin tức nóng hổi nhất về tình hình chiến sự, nên ngay khi nghe tin quân giải phóng tiến về Sài Gòn, trong lòng người nhạc sĩ đã trào dâng xúc cảm và hạnh phúc lớn lao. Để rồi, đúng như lời ông từng tâm sự “Thật là một thời điểm kỳ lạ làm cho mỗi người đều cảm thấy mình như lớn lên, tìm được những cảm xúc mạnh mẽ chưa từng thấy”, ngay đêm hôm đó, ông đã hoàn thành cả phần giai điệu và lời ca của bài hát Đất nước trọn niềm vui. Ở thời điểm sáng tác, ông vẫn chưa một lần được đặt chân đến Sài Gòn, nhưng ông đã hình dung về ngày Sài Gòn rực rỡ cờ hoa bằng dự cảm và niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi phía trước: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay/Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây/Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng…”. Với tiết tấu khỏe khoắn, hân hoan, đậm chất hành khúc, ca khúc không chỉ là tiếng lòng của nhạc sĩ mà còn thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc bất tận của triệu trái tim Việt Nam. Xúc cảm ấy mạnh mẽ đến nỗi khiến hồn người như muốn bay lên hòa cùng khúc hoan ca của đất nước “Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang/Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam. Tổ quốc anh hùng…”. Bài hát được sử dụng làm nhạc hiệu của Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và được phát trên sóng Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu sáng 1-5-1975, cùng với ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Những ngày đầu tháng 4-1975, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phác thảo một bản hợp xướng gồm bốn chương: Miền bắc lũy thép, Miền nam thành đồng, Tiến công và Nổi dậy, Toàn thắng để chuẩn bị cho ngày giải phóng sắp đến. Song, cuối cùng ông lại không hoàn thành nó vì “vẫn cảm thấy có gì gợn trong lòng. Nếu đất nước giải phóng, người dân sẽ đổ ra đường chứ không mấy ai ở nhà nghe hợp xướng”. Mãi đến đêm 28- 4-1975, sau khi nghe tin một phi công ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, cảm hứng trỗi dậy mạnh mẽ, ông bắt đầu cầm bút sáng tác. Nhớ đến lời thơ của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, nhớ đến ước mơ của Bác được một lần vào thăm miền nam khi nam bắc thu về một mối, người nhạc sĩ đã hoàn thành ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng chỉ trong chưa đầy hai giờ đồng hồ: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông/Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công/Việt Nam – Hồ Chí Minh…” Giai điệu của bài hát giản đơn, ngôn ngữ mộc mạc, nhan đề và lời ca cộng lại còn chưa đủ 60 từ nhưng như tiếng lòng được bật ra từ triệu triệu trái tim người con đất Việt ước nguyện về một ngày được hòa bình, thống nhất. Cũng chính nhờ sự ngắn gọn, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ và sự đồng vọng về cảm xúc mà sau khi được phát chính thức trong chương trình thời sự đặc biệt chiều 30-4-1975, bài hát đã lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo công chúng từ người già đến trẻ nhỏ yêu thích và hát vang. Đúng như nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “đây là bài hát được dân chọn và là bài hát dường như có sẵn, nếu không phải tôi thì sẽ có một người khác viết ra nó”, thế nên mới có sức sống bất diệt đến vậy. Ca khúc được đăng trên Báo Nhân Dân sau ngày giải phóng, được dịch ra nhiều thứ tiếng, như: Nga, Đức, Trung Quốc… Đặc biệt, năm 1979, Hội Âm nhạc lao động Nhật Bản đã dịch ca khúc sang tiếng Nhật và phổ biến tới gần 50 tỉnh, thành phố của nước Nhật.
Nếu Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà là tiếng lòng của người con đất bắc hướng về miền nam thì Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Xuân Hồng lại là tình cảm vẹn nguyên của người con miền nam dành cho đất mẹ. Chiến thắng mùa xuân năm 1975 đã mang đến mùa xuân tươi đẹp nhất cho thành phố Hồ Chí Minh, cũng là mùa xuân đáng nhớ nhất trong lịch sử dân tộc: “Thành phố Hồ Chí Minh quê ta, đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời”. Mùa xuân ấy được đánh đổi bằng máu và nước mắt, oanh liệt kiên cường nhưng cũng đầy ắp những hy sinh nên chứng kiến cảnh “Sài Gòn ơi, cả nước vẫy chào/Cờ sao đang tung bay cao, qua hết rồi những năm thương đau”, bất chợt thấy “Vui sao nước mắt lại trào”. Hòa chung trong không khí hân hoan ngày non sông nối liền một dải, nhạc sĩ Cao Việt Bách cũng đã ghi dấu một mốc son lịch sử bằng âm nhạc với ca khúc Tiếng hát từ thành phố mang tên Người. Bài ca là sự gặp gỡ tuyệt vời giữa thơ và nhạc, nhân một lần nhạc sĩ Xuân Hồng đọc được bài thơ của nhà báo Đăng Trung trong cuộc hội ngộ sau ngày giải phóng. Giai điệu bài hát sâu lắng, trữ tình, phảng phất nét ngọt ngào của dân ca Nam Bộ với tiết tấu vừa phải, chậm rãi nhưng vẫn toát lên được tình cảm ngợi ca dạt dào, niềm vui phơi phới của nhân dân ngày giải phóng: “Thành phố Hồ Chí Minh ngời ngời rực sáng tương lai, trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời ta luôn nhớ Bác…”. Bài hát đã vẽ nên hình ảnh một Sài Gòn náo nức, tưng bừng cùng quân giải phóng đón Bác trở về hát bài ca kết đoàn và cùng chung sức xây dựng thành phố mang tên Người ngày càng to đẹp hơn. Lời ca giản dị mà chân thành như thấm vào nhịp thở của những con người đang ngây ngất trong niềm vui thắng lợi, bay cao, lan xa và gần như trở thành bài hát nằm lòng của những người con Sài Gòn.
40 năm trôi qua, những nhạc sĩ của những ca khúc viết về một thời để nhớ hoặc đã về với “cõi người hiền”, hoặc đã ở tuổi xưa nay hiếm. Song những tuyệt phẩm âm nhạc mà họ để lại sẽ mãi là những bài ca đi cùng năm tháng, hòa mình trong dòng chảy của lịch sử cha ông để vang ngân bản anh hùng ca về truyền thống quật cường trong đấu tranh, giải phóng dân tộc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()