Bám sát tiêu chí để có biện pháp ứng phó dịch
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về chuyên môn y tế để thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc tổ chức triển khai hướng dẫn; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động phòng dịch và sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
Nhờ từng bước kiểm soát được dịch mà cả nước đang bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt để vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở các địa phương vẫn có sự khác nhau, do vậy một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP là vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không để xảy ra tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, không chia cắt, đồng thời vẫn phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.
Tại tọa đàm “Nghị quyết 128 – Hướng tới bình thường mới” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, các đại biểu cho rằng, từ Nghị quyết đến hành động có ba vấn đề lớn: Một là phải hiểu đúng; hai là đánh giá đúng tình hình địa phương; ba là phải đúng quy định nhưng quy định này phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng “ăn đong”, nay chỉ đạo thế này, mai chỉ đạo thế khác. Các địa phương dựa trên cơ sở Nghị quyết 128 để thống nhất ban hành các văn bản quy định ở địa phương mình.
Nghị quyết 128/NQ-CP đã giao các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương căn cứ vào những hướng dẫn chung đó để tổ chức triển khai một cách thống nhất, có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân.
Triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn chuyên môn, nêu rõ ba tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19, gồm: Số ca mắc mới tại cộng đồng/ số dân/ thời gian; độ bao phủ vắc-xin; bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến. Về tiêu chí số ca mắc mới tại cộng đồng được phân theo bốn mức độ từ thấp đến cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (mức 1: 0 đến 20; mức 2: 20 đến 50; mức 3: 50 đến 150; mức 4 : từ 150 trở lên). Các địa phương có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp tình hình thực tế.
Đối với tiêu chí tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc-xin phòng Covid-19 được phân theo hai mức: dưới 70% và từ 70% trở lên. Các địa phương có thể điều chỉnh tỷ lệ tiêm chủng phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Bộ Y tế nêu rõ trong tháng 10/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19; từ tháng 11/2021, yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19.
Đối với tiêu chí bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ bốn. Các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế để đáp ứng khi có dịch xảy ra.
Bộ Y tế nêu rõ trường hợp không đạt được tiêu chí ba thì không được giảm cấp độ dịch. Phải tăng lên một cấp độ dịch nếu không đạt được yêu cầu về tỷ lệ tiêm vắc-xin đối với người cao tuổi. Các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tiễn về diễn biến dịch, độ bao phủ vắc-xin, điều kiện thực tế (mật độ dân cư, điều kiện kinh tế xã hội…), khả năng ứng phó có thể điều chỉnh các tiêu chí, cấp độ dịch cho phù hợp, bảo đảm đúng quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố cần xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai khi có dịch xảy ra trên địa bàn; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn; tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc Covid-19; xây dựng kế hoạch thu dung, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 (F0), nhất là kế hoạch bảo đảm đáp ứng về giường ICU. Có kế hoạch, phương án cụ thể để khi có dịch xảy ra thì các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp oxy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp oxy y tế; có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà.
Các địa phương chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm mục tiêu kép nhưng vẫn cần đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế, người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở… không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; bảo đảm hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế – xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()