LSO-Đã từ lâu, khu nhà trọ của Bệnh viện đa khoa trung tâm (BVĐK) là nơi tá túc của những người bệnh. Họ đến đây với những hoàn cảnh khác nhau, có người giàu, kẻ nghèo; song có một đặc điểm chung nhất là có cùng một quyết tâm “bám” nhà trọ đến cùng để kéo dài sự sống. Các bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu thực hiện cấp cứu bệnh nhânCăn phòng rộng chừng 9 m2, ông Chu Văn Kéo cùng cô con gái 24 tuổi sống ở đây đã mấy tháng. Hơn 35 năm trong quân đội, về nghỉ hưu với quân hàm thượng tá, ông Kéo cứ nghĩ rằng mình sẽ sống vui sống khỏe cùng vợ con tại xã Vân An (Chi Lăng). Song ông không ngờ căn bệnh suy thận quái ác đến với mình. Sau khi đi Hà Nội khám, ông xin về Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Lạng Sơn để chạy thận. Cô con gái học xong đại học lâm nghiệp cũng đành gác lại ước mơ việc làm để theo bố lên BV. Ông nói rằng, tuy gia đình thuần nông, song do có mức lương hưu khá cao, lại được...
LSO-Đã từ lâu, khu nhà trọ của Bệnh viện đa khoa trung tâm (BVĐK) là nơi tá túc của những người bệnh. Họ đến đây với những hoàn cảnh khác nhau, có người giàu, kẻ nghèo; song có một đặc điểm chung nhất là có cùng một quyết tâm “bám” nhà trọ đến cùng để kéo dài sự sống.
Các bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu thực hiện cấp cứu bệnh nhân
Căn phòng rộng chừng 9 m2, ông Chu Văn Kéo cùng cô con gái 24 tuổi sống ở đây đã mấy tháng. Hơn 35 năm trong quân đội, về nghỉ hưu với quân hàm thượng tá, ông Kéo cứ nghĩ rằng mình sẽ sống vui sống khỏe cùng vợ con tại xã Vân An (Chi Lăng). Song ông không ngờ căn bệnh suy thận quái ác đến với mình. Sau khi đi Hà Nội khám, ông xin về Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Lạng Sơn để chạy thận. Cô con gái học xong đại học lâm nghiệp cũng đành gác lại ước mơ việc làm để theo bố lên BV. Ông nói rằng, tuy gia đình thuần nông, song do có mức lương hưu khá cao, lại được hưởng 100% BHYT, nên cũng đỡ. Song tình cảnh “gạo đong, rau chợ”, lại thêm thuốc men phụ trợ nên cũng phải tùng tiệm lắm mới đủ tiền chu cấp cho 2 đứa con học đại học và hai bố con “ bám viện” dài ngày.
Khác với bố con ông Kéo, ông kiểm lâm già quê xã Tô Hiệu (Bình Gia) chỉ một thân một mình. Ông nói rằng, bị suy thận từ năm 2006 và phải chạy thận từ năm 2008; lúc đầu phải sang Thái Nguyên, sau mới về BVĐK Lạng Sơn. Đã suy thận, các bệnh khác như thần kinh tọa, dạ dày thừa cơ hoành hành; những năm trước phải dùng xe lăn, các con phải thay nhau đến phục vụ. Bây giờ đã tự đi lại và tự lo cho mình được, song đều đặn mỗi tuần 3 lần lên bàn chạy thận, mỗi lần chạy kéo dài 3 tiếng đồng hồ, lại thuốc thang các loại, nghĩ cũng nản. Tuy có BHYT song do nhiều khoản chi như thuốc men, gạo rau, sinh hoạt phí, tiền trọ…nên món lương hưu 2,5 triệu đồng phải “khéo tính”mới đủ.
Mới 54 tuổi, song nhìn như ông già đã 70, bàn tay gầy guộc run run thái vài miếng su hào cho vào soong bắc lên bếp điện, bệnh nhân Hoàng Quốc Cường, quê Đồng Mỏ (Chi Lăng) tâm sự: “Tháng 9/2011, đi mổ sỏi thận tại Hà Nội, các bác sĩ phát hiện ra cái thận bị suy và chỉ định chạy thận. Bi quan lắm, song nghe Lạng Sơn đã có chạy thận nhân tạo nên xin về quyết tâm điều trị”. Dù chỉ phải chi trả 20%, song mỗi tháng bình quân cũng phải có trên dưới 2 triệu đồng mới có thể trụ được. Thương vợ ở quê đôn đáo chạy chợ kiếm từng đồng để nuôi chồng. Sau mỗi lần chạy, người cảm thấy khỏe lên, lại muốn tìm một việc gì đó làm kiếm thêm đồng tiền để giảm bớt gánh nặng cho vợ. Song chẳng ai dám thuê người bệnh làm việc; mà có làm thì cũng chỉ được 1 ngày, sau đó lại phải nghỉ để chuẩn bị “lên bàn”. Nhiều khi nghĩ quẩn, anh tính bỏ trị, buông xuôi với số phận của mình, nhưng được vợ con động viên lại cố.
Các bác sĩ ở BVĐK cho biết, không giống bất cứ loại bệnh nào, suy thận có nghĩa là phải sống chung với bệnh tật suốt đời và phải đều đặn mỗi tuần chạy thận 3 lần. Chi phí cho mỗi lần chạy thận khoảng trên 400 ngàn đồng và thuốc men bổ trợ thêm vào nên khá tốn kém. Bởi vậy, bất chấp hoàn cảnh của người bệnh, người ta gọi suy thận là “ bệnh của nhà giàu”. Vậy nên, hầu như chỉ có người tham gia BHYT mới có thể điều trị lâu dài. Thậm chí, do quá khó khăn nhiều bệnh nhân tham gia BHYT cũng đã bỏ trị, xin về chịu chết. Bác sĩ Tạ Văn Hùng, phó Trưởng khoa Thận- Tiết niệu cho biết, cách đây mấy năm, khi BVĐK chưa có máy chạy thận nhân tạo thì hầu hết bệnh nhân Lạng Sơn đều phải về Hà Nội hoặc sang Thái Nguyên; ở đó, bệnh nhân 4 phương họp lại lập thành “xóm chạy thận”, “phố chạy thận”,cùng nhau mưu sinh để nuôi mình, “nuôi thận”. Nay BVĐK đã có đến 16 máy, trong đó có 11 máy dự án và 5 máy thuê với 56 bệnh nhân đăng ký thường xuyên. Tuy vậy, vẫn còn khoảng 30 bệnh nhân điều trị tại Hà Nội và một số BV trong khu vực. Bệnh nhân suy thận không phân biệt tuổi tác giới tính, khu vực, điều kiện sống; song theo thống kê, khu vực Bắc Sơn, Bình Gia có số người suy thận khá cao.
Với tấm lòng thương yêu người bệnh, các bác sĩ khoa thận- tiết niệu đã làm tất cả để giữ lại sự sống cho họ. Tuy vậy, chi phí cho chạy thận nhân tạo khá cao và nhất là phải duy trì theo lịch cho đến hết cuộc đời, nên không phải tất cả đều có thể chịu đựng được. Mà bỏ giữa chừng có nghĩa là chấm dứt cuộc đời.
Bắt tay tạm biệt tôi, bệnh nhân Hoàng Quốc Cường nhìn xuống chiếc giường mà anh đang ngồi “Cái giường này, mấy tháng trước có anh ở Bằng Hữu bỏ trị và chỉ 3 hôm sau anh ta đã trở thành “người thiên cổ”.
Minh Hồng
Ý kiến ()