Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Chủ tịch Quỹ Marx-Engels của Đức, thành viên Ủy ban quốc tế của Đảng Cộng sản Đức, ông Stefan Kühner nhận định, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ông Stefan Kühner cho rằng, đối với những người cộng sản trên khắp thế giới, luận điểm được đưa ra trong bài viết cho thấy một điều quan trọng, đó là những gì Việt Nam đã và đang làm chính là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Theo Chủ tịch Quỹ Marx-Engels, với bài viết này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày cụ thể về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong những điều kiện và đặc điểm riêng của Việt Nam. Ông nhắc lại luận điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”.
Ông Stefan Kühner nêu rõ, trong cuộc thảo luận về câu hỏi chủ nghĩa xã hội là gì và đâu là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận được sự quan tâm rất lớn.
Thứ nhất, Tổng Bí thư đã nêu rõ tình hình đặc biệt khó khăn của Việt Nam sau chiến tranh và những nỗ lực vươn lên trong điều kiện đất nước bị tàn phá, bị cấm vận, cũng như tình hình phát triển hiện nay của Việt Nam. Thế hệ trẻ ở Đức ngày nay hầu như không được biết điều này.
Thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện một cách giáo điều; một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ có việc xây dựng chính quyền thông qua bầu cử, mà cần có sức mạnh của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thứ ba, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ nội hàm của khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam. Vấn đề này được Đảng Cộng sản Đức trao đổi rất nhiều trong các buổi thảo luận về Việt Nam. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề và rất hữu ích cho việc nhận định về con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thứ tư, bài viết đưa ra quan điểm rõ ràng rằng, sự phát triển lực lượng sản xuất đóng vai trò như một động lực quan trọng để xây dựng nền kinh tế công bằng, bình đẳng. Ông Stefan Kühner cho biết, ở các nước tư bản, quan điểm về sự phát triển của lực lượng sản xuất trong chế độ xã hội chủ nghĩa hầu như không được đưa ra. Tại các nước này, sự phát triển của lực lượng sản xuất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm cho nhân dân lao động phải bận tâm nhiều hơn đến công việc và quyền dân chủ của họ. Đó là những khác biệt cơ bản của lực lượng sản xuất hiện đại được thể hiện trong chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Nói về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Stefan Kühner nhấn mạnh, đây là nhân tố có vai trò quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ông cho biết thêm, tại Đại hội lần thứ XXIII vào tháng 2/2020, Đảng Cộng sản Đức đã khẳng định, việc tăng cường hợp tác giữa các đảng cộng sản và công nhân quốc tế là nhân tố quyết định giúp củng cố phong trào cách mạng trên phạm vi toàn cầu.
Ý kiến ()