Bài trừ mê tín dị đoan tại các lễ hội
Mặc dù cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng địa phương thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, vận động, quản lý, kiểm tra, kiểm soát, tuy nhiên thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn lợi dụng phong tục cổ truyền, tín ngưỡng dân gian để thực hiện hành vi “buôn thần bán thánh” tại các lễ hội nhằm trục lợi.
Hoạt động này càng trở nên khó kiểm soát vào thời điểm đầu xuân khi nhiều lễ hội diễn ra đồng loạt, trong thời gian dài với rất đông du khách thập phương tham gia.
Tình trạng phổ biến diễn ra trong nhiều năm qua tại nhiều cơ sở tín ngưỡng, thờ tự đó là người dân đốt hương, vàng mã tràn lan, không chỉ tốn kém, lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Bên cạnh đó, một số hoạt động như dâng sao giải hạn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, xem bói, hầu đồng, đoán tướng cũng bị biến tướng nhằm mục đích trục lợi. Mặc dù các chế tài xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng mức vi phạm của những hành vi trên đã được quy định rõ ràng nhưng do thu nhập khá lớn từ hoạt động này mang lại, cùng với nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ nên những chiêu trò lừa đảo, tiêu cực vẫn diễn ra công khai tại nhiều lễ hội; làm lệch chuẩn giá trị văn hóa tâm linh, gây phản cảm, mất mỹ quan, ảnh hưởng xấu trong xã hội.
Ảnh minh họa: qdnd.vn |
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024. Theo đó, công điện yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân và du khách, nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội; về nguồn gốc của lễ hội, di tích và những nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là những hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc…
Để những lễ hội đầu xuân diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh, văn minh, mỗi người dân cần phân biệt giữa tín ngưỡng, tôn giáo với các hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội; chấp hành nghiêm các quy định của địa phương và ban tổ chức, ban quản lý khi tham gia lễ hội. Điều này sẽ góp phần tôn vinh giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng nhân dân.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/bai-tru-me-tin-di-doan-tai-cac-le-hoi-765200
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()