Bài toán năng lượng của Vê-nê-xu-ê-la
Với việc liên tiếp tung ra các biện pháp mạnh như cắt điện luân phiên hay giảm số ngày làm việc của nhân viên nhà nước, Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la quyết tâm khắc phục khó khăn do thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng. Đây là thách thức không nhỏ với Vê-nê-xu-ê-la trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề do giá dầu lao dốc.
Chính phủ Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la N.Ma-đu-rô đã triển khai một loạt biện pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ “thế bí” cho tình trạng thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng tại nước này. Ngày 1-5 vừa qua đánh dấu múi giờ của Vê-nê-xu-ê-la chính thức được đẩy sớm 30 phút, lên giờ chuẩn quốc tế là GMT-4, đưa thời gian ban ngày ở quốc gia Nam Mỹ này kéo dài thêm 30 phút, với mục đích tiết kiệm điện.
Trước đó, Phó Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la A.I-xtu-rít công bố quyết định cho nhân viên thuộc các cơ quan nhà nước làm việc hai ngày trong tuần và chỉ phải đến công sở khi được giao nhiệm vụ cần thiết hoặc quan trọng. Ước tính, việc tăng ngày nghỉ của công chức nhà nước giúp giảm mức tiêu thụ điện xuống ít nhất 20%. Tuy nhiên, người lao động vẫn được trả lương cho những ngày nghỉ làm việc theo quy định tạm thời của Chính phủ.
Song song đó, một giải pháp khác cũng được Tổng thống N.Ma-đu-rô triển khai, đó là tiến hành cắt điện luân phiên trong bốn giờ tại tám khu vực của nước này. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la kêu gọi người dân hợp tác với Chính phủ thực thi kế hoạch tiết kiệm năng lượng để đưa nước này thoát khỏi tình trạng thiếu điện hiện nay.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh khó khăn trong vấn đề năng lượng tại Vê-nê-xu-ê-la, đó là, nước này đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng gần năm thập niên trở lại đây. Mực nước tại đập Gu-ri trên sông Ca-rô-ni, phục vụ nhà máy thủy điện lớn nhất Vê-nê-xu-ê-la, giảm xuống mức thấp kỷ lục, khiến các nhà máy không có đủ nước để sản xuất điện. Số liệu thống kê cho thấy, 75% nhu cầu điện năng của quốc gia vùng Nam Mỹ này là sản phẩm của 18 nhà máy thủy điện trong nước.
Giới phân tích nhận định, sự phụ thuộc này góp phần đẩy Vê-nê-xu-ê-la dễ dàng rơi vào khủng hoảng năng lượng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đời sống con người. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Ca-ra-cát cần có hướng giải quyết lâu dài vấn đề này bằng cách đầu tư xây dựng và duy trì các nhà máy nhiệt điện, thay vì phụ thuộc phần lớn vào thủy điện như hiện nay.
Bên cạnh “bài toán khó” về năng lượng, Vê-nê-xu-ê-la còn đối mặt thách thức lớn hơn, đó là dầu mỏ, mặt hàng chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, giảm giá liên tiếp trong hơn một năm qua, làm giảm đáng kể nguồn thu của Vê-nê-xu-ê-la. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Vê-nê-xu-ê-la giảm 5,7% trong năm 2015 và nhiều khả năng tiếp tục giảm ở mức 8% trong năm nay.
Trong nỗ lực nhằm xoa dịu dư luận, Tổng thống Ma-đu-rô quyết định nâng lương tối thiểu cho công nhân lên 30%, tương đương 1.500 USD/tháng. Đây là lần tăng lương cơ bản thứ 12 kể từ khi ông Ma-đu-rô nhậm chức Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la tháng 4-2013. Người đứng đầu Chính quyền Ca-ra-cát đồng thời quy trách nhiệm cho phe đối lập đang tiến hành một cuộc “chiến tranh kinh tế” nhằm chống lại ông, thông qua việc can thiệp nhằm gia tăng lạm phát và tạo ra tình trạng khan hiếm hàng hóa tiêu dùng.
Trước các thách thức từ trong và ngoài nước, Tổng thống N.Ma-đu-rô cam kết tiếp tục công cuộc Cách mạng Bô-li-va được người tiền nhiệm U.Cha-vết khởi xướng năm 1999, nhằm xây dựng Vê-nê-xu-ê-la trở thành quốc gia công bằng, dân chủ, chú trọng các chương trình xã hội, bất chấp những âm mưu gần đây của phe đối lập nhằm gây khó dễ cho Tổng thống cũng như tiến trình xã hội chủ nghĩa tại quốc gia Nam Mỹ này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()