Bài toán nan giải
LSO-Công tác cán bộ không được thực hiện một cách khép kín và không có sự liên kết chặt chẽ với công tác đào tạo nhất là đối với đào tạo sinh viên hệ cử tuyển (sinh viên cử tuyển) là lý do chính khiến việc bố trí việc làm cho đối tượng này đã và đang là bài toán khó giải ở Lạng Sơn.
Thí sinh trước giờ thi nâng ngạch công chức tỉnh Lạng Sơn năm 2013 |
Con em các dân tộc vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn sau khi tốt nghiệp THPT được xét ưu tiên vào học tại các trường cao đẳng, đại học theo hệ cử tuyển là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước tạo nguồn cán bộ cho những nơi này. Những năm qua, theo thống kê của UBND tỉnh, giai đoạn 2007-2013, toàn tỉnh cử đi đào tạo hệ cử tuyển tại các trường cao đẳng, đại học khoảng 200 người, đã tốt nghiệp trở về địa phương 131 người, (130 người trình độ đại học, 1 người trình độ cao đẳng). Dự kiến hết năm 2014 sẽ có 69 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Chính sách ưu tiên là như vậy, tuy nhiên, thực tế việc bố trí việc làm cho các em vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trong tỉnh còn khó khăn, đạt tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng niềm mong mỏi của họ. Trong số 131 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp giai đoạn 2007-2013 thì chỉ có 41 người được phân công công tác (100% là hợp đồng lao động) tại các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của tỉnh, chiếm tỷ lệ 31,3%. Số chưa được bố trí công việc chiếm 68,7%. Tỷ lệ này ngày càng chênh lệch trong 3 năm gần đây. Cụ thể từ năm 2011-2013, toàn tỉnh có 71 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp trong đó chỉ có 20 sinh viên được bố trí công tác, chiếm 28,2%; 51 người tự tìm kiếm việc làm, chiếm tới 71,8%. Như vậy, tỷ lệ sinh viên được bố trí việc làm là quá thấp, chênh lệch so với số lượng được cử đi đào tạo và tốt nghiệp.
Ông Vũ Thanh Thụy – Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Lộc Bình cho hay: “Từ năm 2011 đến nay, huyện mới hợp đồng lao động với 1/10 sinh viên đào tạo cử tuyển. Nguyên nhân không bố trí được việc làm cho tất cả các em sau ra trường là do các cơ quan, đơn vị không có chỉ tiêu để sắp xếp; chuyên ngành đào tạo của sinh viên hệ cử tuyển hầu hết không phù hợp với chức danh tuyển dụng nên rất khó bố trí công tác”.
Theo đánh giá của UBND tỉnh tại Kế hoạch Đào tạo hệ cử tuyển năm 2014 (ngày 25/6/2014), tình trạng hết chỉ tiêu biên chế, một số chuyên ngành cử đi đào tạo chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn như chuyên ngành ngoại giao, quan hệ quốc tế… Hơn nữa quy định về tuyển dụng không có ưu tiên đặc cách với sinh viên cử tuyển nên việc bố trí công tác nan giải và chỉ thực hiện dưới hình thức hợp đồng lao động ở những vị trí việc làm còn thiếu biên chế. Một số sinh viên hệ cử tuyển không trúng tuyển và phải chấm dứt hợp đồng lao động do vị trí công tác đã có người trúng tuyển. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo chưa thực sự nâng cao chất lượng sinh viên cử tuyển, không thực hiện đúng quy định về bàn giao hồ sơ sinh viên sau tốt nghiệp. Thay vì phải bàn giao hồ sơ, bằng tốt nghiệp của sinh viên kịp thời cho UBND cấp tỉnh để báo cáo kết quả hoàn thành khóa học thì lại giao trực tiếp hồ sơ, bằng tốt nghiệp cho sinh viên, mà sinh viên lại không nộp hồ sơ kịp thời cho UBND tỉnh nên việc nắm bắt sinh viên ra trường để xem xét, bố trí việc làm gặp nhiều khó khăn.
Thực tế trên khiến nhiều sinh viên sau ra trường chán nản do phải tự bươn chải kiếm việc, hoặc được đi làm thì chỉ được xét ở hình thức hợp đồng lao động, không yên tâm công tác. Thiết nghĩ để giải bài toán này thì các ngành chức năng cần tham mưu cho tỉnh xây dựng được quy hoạch, kế hoạch tổng thể về đào tạo, sử dụng cán bộ nhằm xác định được nhu cầu, ngành nghề đào tạo, hình thức cử tuyển một cách hợp lý, sát thực tiễn; gắn cử tuyển với địa chỉ sử dụng; có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức đối với sinh viên cử tuyển. Trong lúc các cơ quan, đơn vị chờ sinh viên ra trường vào làm việc thì có thể tuyển dụng hợp đồng lao động để đáp ứng yêu cầu công việc để dành chỉ tiêu biên chế cho sinh viên cử tuyển vào làm việc. Các cơ sở đào tạo cần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên hệ cử tuyển bằng cách nên có một quy trình đào tạo riêng; không nên hạ thấp tiêu chuẩn đào tạo sinh viên cử tuyển với hệ chính quy mà phải đảm bảo chất lượng ngang nhau; có thời gian dự bị sinh viên; tổ chức kiểm tra, thi tuyển sau dự bị và chỉ tuyển những trường hợp đạt yêu cầu, với trường hợp không đạt yêu cầu có thể trả về địa phương hoặc định hướng chuyển sang đào tạo nghề khác.
Được biết Lạng Sơn đang tập trung triển khai, thực hiện một số giải pháp với mục tiêu bố trí được tối đa lượng sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp. Sau khi rà soát thực trạng, số lượng, chỉ tiêu biên chế tổng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, dự kiến trong năm 2014 có 69 sinh viên tốt nghiệp thì tỉnh sẽ bố trí công việc cho 38 người. Chủ yếu ở các chuyên ngành: y, dược, luật, văn hóa dân tộc, phát triển nông thôn, kinh tế và thú y, cấp thoát nước, sư phạm ngữ văn. Số còn lại (31 sinh viên) không bố trí công việc được bởi tỉnh không còn biên chế cho các vị trí việc làm thuộc các chuyên ngành đào tạo: kiến trúc sư, xây dựng, giao thông vận tải, kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật điện tử, địa chính – môi trường.
HÀ MY
Ý kiến ()