Bài toán lãi suất đối diện nhiều áp lực
Hiện nay, huy động vốn tăng trưởng chậm, tốc độ huy động chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng, đang đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng.
Giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Agribank. |
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tín dụng đến ngày 25/10 đã tăng 11,5% so cuối năm 2021 và hơn 17% so cùng kỳ cuối tháng 10/2021. Ðây là mức cao so cùng kỳ nhiều năm trước đây, trong khi đó, tốc độ huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,6% so đầu năm.
“Nóng” cuộc đua lãi suất huy động
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chín tháng đầu năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được điều tiết tốt và thậm chí có dư thừa. Mặt bằng lãi suất tuy không giảm, nhưng chỉ tăng từ 0,3- 0,4% so cuối năm 2021. Ðây là một diễn biến phù hợp với bối cảnh chung của quốc tế. Tuy nhiên, sang tháng 10/2022, thị trường tiền tệ và ngoại hối biến động rất mạnh.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, mức tăng này chủ yếu do tác động bởi tâm lý kỳ vọng. Ðặc biệt, những thông tin không đúng sự thật đã tác động rất mạnh đến hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như những diễn biến trên thị trường, nhất là thị trường ngoại tệ, tỷ giá tăng cao. Trong bối cảnh như vậy, cộng với áp lực bảo đảm nguồn vốn để có thể bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, đồng thời có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9 và gần đây nhất, ngày 24/10 điều chỉnh lần 2, tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tín dụng đến ngày 25/10 đã tăng 11,5% so cuối năm 2021 và hơn 17% so cùng kỳ cuối tháng 10/2021. Ðây là mức cao so cùng kỳ nhiều năm trước đây, trong khi đó, tốc độ huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,6% so đầu năm.
Nhìn nhận về điều này, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đánh giá, “việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất giúp hạ nhiệt tỷ giá tạm thời nhưng sẽ kích hoạt cuộc đua tăng lãi suất”. Thực tế cũng cho thấy, sau mỗi động thái điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động lại thiết lập một mặt bằng mới. Và đến nay, việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt khi các mốc cao mới liên tục được ghi nhận trong những ngày gần đây.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đưa lãi suất huy động lên mức 9,3%/năm, một số ngân hàng khác cũng đẩy lãi suất lên mức cao hơn. Cụ thể, theo biểu lãi suất niêm yết của Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á có hiệu lực từ ngày 26/10, ngân hàng này áp dụng lãi suất 11%/năm cho ba tháng đầu cho các khoản tiền gửi tại sản phẩm Happy Future tại kỳ hạn chín tháng, trong khi sáu tháng cuối có lãi suất 5,95%/năm; ở kỳ hạn 12 tháng, sáu tháng đầu có lãi suất 9,9%/năm, sáu tháng sau là 5,95%/năm; ở kỳ hạn 18 tháng, 12 tháng đầu có lãi suất 8,9%/năm, sáu tháng sau là 5,95%/năm,…
Tại ABBank, Kienlongbank, BacABank, GPBank cũng ghi nhận mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5-8,7%/năm. Một số ngân hàng lớn, lãi suất niêm yết cao nhất cũng đã vượt hơn 8%/năm như: MB (8,7%), VPBank (8,6%), Techcombank (8,5%), SHB (8,4%), Sacombank (8,0%),… Ðáng lưu ý, một số ngân hàng còn có chính sách cộng lãi suất tiền gửi theo hình thức trực tuyến thêm 0,5-0,6%/năm so với gửi tại quầy.
Linh hoạt điều hành để “ghìm cương” lãi vay
Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, sau thời gian giữ ổn định kể từ tháng 10/2020. Các động thái này được đánh giá sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: khi lãi suất tăng, đồng nghĩa giá đồng tiền sẽ tăng lên. “Nếu không tăng lãi suất thì đồng nghĩa chúng ta tự phá giá đồng tiền của mình. Ðiều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, làm lạm phát tăng lên. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng lãi suất để tương thích với giá USD, đây là xu hướng chung của các ngân hàng trung ương thế giới”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Các phân tích từ nhiều nhóm chuyên gia nghiên cứu cũng đưa ra dự báo, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do áp lực tỷ giá và lạm phát đi cùng yếu tố mùa vụ. Cụ thể, Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, đồng USD sẽ tiếp tục lên giá do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn còn kế hoạch tăng cao lãi suất trong hai cuộc họp chính sách còn lại của năm, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 11 và giữa tháng 12. Vì vậy, các chuyên gia phân tích từ cơ quan này nhìn nhận: nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ tỷ giá, khiến lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng trong thời gian tới.
Song trên một góc độ khác, nhiều ý kiến lại cho rằng, việc lãi suất điều hành có điều chỉnh tiếp vào cuối năm hay không, cần phải được đánh giá và xem xét một cách thận trọng.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một trong những vấn đề mà các ngân hàng trung ương cần lưu ý khi tăng lãi suất là độ trễ của chính sách. Một nghiên cứu được thực hiện hồi năm 2016 cho thấy, lãi suất cơ bản tăng 1 điểm phần trăm có thể giảm lạm phát tối đa 1 điểm phần trăm, tuy nhiên, sẽ phải mất từ hai đến bốn năm để đạt hiệu quả tối đa. Ðiều này đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải duy trì sự kiên nhẫn, tránh đảo chiều chính sách quá sớm, đồng thời cũng không đẩy lãi suất lên quá cao khiến nền kinh tế bị thiệt hại.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất, đồng USD tăng giá thì việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết, việc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát là điều cần thiết, song ngân hàng trung ương các nước không nên thực hiện riêng lẻ mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, để bảo đảm vừa kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả, vừa hạn chế những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất, đồng USD tăng giá thì việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế.
Việc tăng lãi suất tiền đồng nhằm bảo đảm mức lãi suất thực dương cho người gửi tiền, từ đó, giúp ổn định thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, khi người gửi tiền mừng vui, thì ở chiều ngược lại, người dân, doanh nghiệp vay vốn lại không tránh khỏi lo lắng. Nỗi lo càng lớn dần khi thực tế, thời gian gần đây nhiều khoản vay của người dân, doanh nghiệp đã được các tổ chức tín dụng điều chỉnh tăng.
Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Ðinh Trọng Thịnh thẳng thắn nhìn nhận, điều hành tỷ giá-lãi suất-lạm phát trong giai đoạn này đang là bài toán cực kỳ khó đối với Ngân hàng Nhà nước. “Mặc dù lãi suất điều hành tăng cao dẫn đến tăng lãi suất cho vay là điều khó tránh, song tôi vẫn hy vọng mặt bằng lãi vay sẽ không tăng cao. Bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ có các biện pháp can thiệp như thị trường mở, lãi suất qua đêm thấp, tạo thanh khoản,… để các ngân hàng có được khoản tiền chi phí thấp, từ đó, trung hòa với chi phí vốn đầu vào cao, giữ lãi suất cho vay không tăng mạnh,” PGS, TS Ðinh Trọng Thịnh bày tỏ quan điểm.
Trước nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận vốn tín dụng khi lãi suất tăng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phạm Thanh Hà chia sẻ: Tăng lãi suất là phù hợp với xu hướng chung, bảo đảm an toàn thanh khoản, bảo đảm khả năng huy động vốn để cho vay nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước trong quá trình điều hành luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh. Thực tế, các lĩnh vực này từ đầu năm đến nay tăng trưởng tốt, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Ðặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra trần lãi suất cho vay, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh các hạn mức tín dụng của các tổ chức tín dụng, trong đó tiếp tục yêu cầu tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên như xăng dầu hay các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế.
“Chúng tôi cũng đang tập trung chỉ đạo bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phù hợp với kinh tế vĩ mô và bảo đảm cho khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp,” Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định.
Ý kiến ()