Bài toán khó với châu Âu
Nhiều quốc gia châu Âu đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Giới chức Đức mới đây thông báo sẽ xây một nhà ga nhập khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở Brunsbüttel, ven Biển Bắc, có công suất 8 tỷ mét khối/năm để giảm phụ thuộc vào khí đốt từ Nga. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự thay đổi chính sách của Berlin sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Còn nhớ cách đây ít lâu, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck từng chia sẻ, hiện Đức vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và nước này cần phải nhanh chóng “giải phóng mình” khỏi sự phụ thuộc này. Chính phủ Đức đã tính đến việc vừa để các nhà máy điện hạt nhân vẫn tiếp tục hoạt động, vừa cho một số nhà máy nhiệt điện hoạt động kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu để độc lập hơn với nguồn cung cấp năng lượng của Nga, đồng thời đặt mục tiêu hướng tới sản xuất điện hoàn toàn từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2035.
Các thùng chứa khí đốt thiên nhiên hóa lỏng đựng vận chuyển tại Brunsbüttel, Đức. Ảnh: The Wall Street Journal |
Thế nhưng, các chuyên gia đánh giá, điều này không hề dễ dàng với nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đức vốn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên, 1/2 lượng than và khoảng 40% lượng dầu nhập khẩu của Đức đến từ xứ sở bạch dương.
Tổ chức nghiên cứu BloombergNEF ước tính, nếu muốn thay thế hoàn toàn khí đốt nhập khẩu của Nga, đồng nghĩa, Đức sẽ cần thêm 82 tàu chở LNG mỗi tháng, nhiều hơn sản lượng tháng 2-2022 của Qatar, một trong những nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới.
Đáng tiếc là cho tới nay, Đức vẫn chưa có bến nhập khẩu LNG. Dù gấp rút triển khai, nhà ga nhập khẩu LNG ven Biển Bắc cũng sẽ cần ít nhất 3 năm để có thể đi vào hoạt động. Đó là chưa kể LNG có mức giá cao hơn nhiều so với khí đốt Nga, gây ra gánh nặng cho nền kinh tế Đức vốn đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Cũng chung cảnh ngộ với Đức, Italy-quốc gia nhập khẩu hơn 90% lượng khí đốt, chủ yếu từ Nga-đã phải tìm đến Algeria và Azerbaijan trong nỗ lực tìm nguồn cung thay thế. Trong khi đó, Đan Mạch mới đây đã cho nối lại việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt chiến lược Na Uy-Ba Lan vốn bị đình chỉ trong một thời gian dài vì lý do môi trường.
Dự án có tên Đường ống Baltic (Baltic Pipe) này dự kiến cho phép vận chuyển khí đốt từ Na Uy (một nguồn cung lớn khác của châu Âu) tới Đan Mạch, Ba Lan và một số quốc gia lân cận khác. Theo ABC News, Baltic Pipe sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng 1 năm sau, với công suất lên đến 10 tỷ mét khối/năm.
Có thể thấy, các quốc gia châu Âu đang rất nỗ lực trong việc giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, cái giá cho sự độc lập về năng lượng sẽ là không hề nhỏ. Khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) do Nga cung cấp và mức độ phụ thuộc này ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây.
Tuần vừa qua, khi phương Tây hợp lực cùng Mỹ siết trừng phạt Nga, EU đã phải bỏ ra khoản tiền 722 triệu USD/ngày để nhập khẩu năng lượng từ Nga, nhiều gấp 3 lần so với thời điểm trước khi Nga can thiệp quân sự ở Ukraine (số liệu do Viện Nghiên cứu Bruegel, tại Brussels (Bỉ) cung cấp).
Cũng theo các chuyên gia của Bruegel, dù vá víu từ các nguồn cung khác để bù vào lượng nhập khẩu từ Nga, các quốc gia châu Âu vẫn sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt từ 10-15% nhu cầu khí đốt mỗi năm. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp và túi tiền người dân sẽ tiếp tục chịu tổn thất khi giá năng lượng luôn ở mức cao do nguồn cung thấp.
“Chúng tôi sẽ phải yêu cầu người dân hạn chế sử dụng máy sưởi ở nhà và các ngành công nghiệp giảm sản xuất trong một thời gian nhất định”, Simone Tagliapietra, chuyên gia cao cấp tại Bruegel, cho biết.
Đưa ra nhiều tuyên bố về việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nhưng châu Âu trong nhiều năm qua đã không có sự chuẩn bị hay bước dịch chuyển đáng kể nào. Việc đột nhiên xoay chiều trong các chính sách năng lượng chủ chốt, như để ngỏ khả năng kéo dài tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện và thậm chí là hạt nhân cũng sẽ hủy hoại những mục tiêu về chống biến đổi khí hậu mà các quốc gia châu Âu đang theo đuổi.
Lựa chọn một giải pháp hợp lý để cân bằng giữa lợi ích lâu dài và nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga tiếp tục là một bài toán khó cho các quốc gia châu Âu.
Ý kiến ()